Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Đoàn kết, lời căn dặn thiết tha của Bác
6:18' 11/3/2018
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, ngày 3-12-1945.

Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc và xây dưng khối đại đoàn kết toàn dân có giá trị lí luận và thực tiễn hết sức quan trọng. Bác khẳng định trong Di chúc: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và nhân dân ta. Bác căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Theo Bác, đoàn kết không có nghĩa là xuôi chiều, dễ người dễ ta. Để trong Đảng đoàn kết, trở thành một khối thống nhất phải thật sự nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, và phải chỉnh đốn lại Đảng. Bác coi đó là nhiệm vụ tất yếu thường xuyên, là sự vận động của Đảng trong quá trình phát triển của cách mạng. Khi cách mạng khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng ý chí kiên định, thái độ bình tĩnh, tránh tình trạng dao động, bi quan. Khi cách mạng thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn. Khi Đảng cầm quyền, chỉnh đốn Đảng để tránh sa ngã, thoái hoá biến chất, tự đánh mất mình. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Coi trọng chỉnh đốn Đảng là tạo nên sức mạnh đoàn kết theo lời dặn của Bác: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để cũng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta xác định: Đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, mà hạt nhân là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Những năm qua, nhờ đoàn kết, công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội. Đất nước giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, các hoạt động nhân đạo, từ thiện thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Chúng ta đang thực hiện mong muốn của Người trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Đừng cố gắng “quản lý” các cảm xúc của bạn: hãy chung sống (tốt hơn) với chúng!

Chẳng có gì để làm: tất cả chúng ta đều là những con người (có/với) cảm xúc. Sợ, giận dữ, buồn, đau khổ, niềm vui, chúng đi theo ta suốt cả cuộc đời. Và thế thì càng tốt!
Các cảm xúc cho phép ta phản ứng lại các tình huống mà đặt ta vào vòng nguy hiểm, đe dọa chúng ta, mang đến cho chúng ta nỗi buồn lo, hoặc ngược lại, mang lại cho chúng ta vui sướng. Cảm xúc được coi là thứ “đi theo con người từ buổi bình minh của nhân loại”.
Chỉ là: đôi khi, chúng ta hoàn toàn bị tràn bờ với sự thái quá của khí sắc và chúng ta không biết làm thế nào đứng vững trên đôi chân của mình. Trong cuốn sách Cảm xúc: khi mà nó mạnh hơn cả tôi, Catherine Aimelet-Périssol, bác sĩ, nhà trị liệu bằng các liệu pháp tâm lý, và con gái của bà, Aurore Aimelet, nhà báo, đã dùng tới hình ảnh cơn dông trên cánh đồng lúa mì để giúp ta hiểu điều gì diễn ra khi quá tải cảm xúc. Bị ngập chìm, những cây lúa mì ngất ngư trước những đợt nước trút xuống. Nhưng khi cơn mưa qua đi, những cây lúa mì lại đứng thẳng lại được và lấy lại được tư thế của nó. Vấn đề là, thay vì để cơn dông đi qua, chúng ta có xu hướng diễn giải, thậm chí phiên giải thái quá, và hậu quả là, chúng ta bị chết dí với những cảm xúc đó (và đương nhiên là ảnh hưởng cả những người xung quanh). Và mong muốn của chúng ta là có thể “kiểm soát” mọi thứ, làm chủ tất cả, cái mong muốn ấy đã không giúp đỡ chúng ta. Ngược lại, mong muốn quản lý mọi thứ khiến chúng ta cứng nhắc, chống lại chúng ta, không giải quyết bất kỳ khó khăn nào của chúng ta, và đôi khi, còn thêm vào cảm xúc của chúng ta những căng thẳng nữa.
Để ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, 2 tác giả của cuốn sách trên đã đề xuất những con đường luân phiên sau:
  • Hiểu rằng cảm xúc không phải là vấn đề. Nó đến khi não của chúng ta ghi lại các phản ứng của chúng ta với một tình huống giống như là duy nhất. Từ đó, chúng ta lặp lại các cảm xúc đó mà không có ý thức, hoặc không hiểu rõ lắm về điều đó.
  • Chậm lại mỗi khi đối diện với cảm xúc xâm chiếm chúng ta (2 phút ngừng lại kèm với hít thở sâu), điều đó giúp chúng ta phản ứng khác đi, mà không vay mượn lại các con đường thói quen. Ví dụ: khi chúng ta bùng nổ cơn giận dữ, nếu chúng ta dành thời gian để quan sát chính mình, rất thường chúng ta sẽ nhận ra rằng lý do thực sự của cơn giận lại không nằm trong sự kiện đang diễn ra. Tương tự, khi ai đó đến trễ và khiến chúng ta giận, điều đó thực ra có thể là chúng ta bị gọi lại một trải nghiệm nào đó ở tuổi thơ.
  • Tìm kiếm mối liên hệ (ngay lập tức, và sau đó), điều này trao cho chúng ta khả năng tìm ra mối liên quan giữa cú sốc đầu tiên (khởi thủy) và quá trình hình thành sự vận hành tư duy. Ví dụ: cách mà chúng ta phiên giải thái quá một tình huống (“anh ấy đã không gọi cho tôi, mối quan hệ này không quan trọng với anh ấy, anh ấy sẽ rời bỏ tôi…”, trong khi, người yêu của cô gái chỉ đơn giản là có một công việc đột xuất hoặc hết pin điện thoại…). “Những suy nghĩ của chúng ta phản chiếu lại một cách phóng đại hoặc méo mó những trải nghiệm cũ của mình”, 2 tác giả viết. Bằng cách bám vào bối cảnh, chúng ta sẽ vượt qua được các niềm tin và các phản ứng có tính phản xạ.
Catherine Aimelet-Périssol và Aurore Aimelet khuyên chúng ta nên kiên nhẫn: những thói quen xấu là không dễ thay đổi, cần nhiều thời gian mới thay đổi được. Nhưng với việc thực hành và sự kiên nhẫn, các cảm xúc xuất hiện sẽ ngừng việc phá hủy cuộc đời bạn!

Hoạt động quản lý vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật

Hoạt động quản lý vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật

    Sự hình thành và phát triển ngành khoa học quản lý hơn một thế kỷ nay đã và đang có những đóng góp to lớn trong sự thành công của các lĩnh vực quản lý xã hội. Bằng con đường nghiên cứu khoa học, người ta đã tìm ra những quy luật vận động của hoạt động quản lý và đưa ra những phương pháp quản lý dựa trên những quy luật đó.

    Việc áp dụng kết quả nghiên cứu của khoa học quản lý vào thực tiễn hoạt động quản lý, lãnh đạo tỏ ra rất có hiệu quả. Khi trình độ sản xuất của xã hội ngày càng phát triển, hoạt động của nhà quản lý càng cần phải tuân theo các quy luật khách quan, biết vận dụng các phương pháp quản lý khoahọc trong nhận thức và trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ quản lý.

Sự hình thành và phát triển ngành khoa học quản lý hơn một thế kỷ nay đã và đang có những đóng góp to lớn

    Nhà quản lv không được đưa ra quyết định quản lý dựa trên ý muốn chủ quan của bản thân mà phải dựa trên những thông tin đầyđủ, chính xác về đối tượng. Thu thập thông tin về đối tượng và đánh giá các thông tin đó là việc làm cần thiết giúp người quản lý có được những quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế. Để có được nhiều thông tin hữu ích người quản lý phải biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của người khác và biết sử dụng các phương pháp khoa học (như phương pháp quan sát có chủ định, phương pháp thống kê toán học, bảng biểu, biểu đồ, phân tích, so sánh, tổng hợp…). Nhà quản lý không để tình cảm hoặc định kiến riêng tư của mình ảnh hưởng đến sự đánh giá thông tin và quyết định quản lý.

    Mặc dù người lãnh đạo quản lý phải tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp khoa học trong hoạt động lãnh đạo quản lý nhưng không có nghĩa là làm theo một cách cứng nhắc, máy móc mà phải biết xử lí các tình huống quản lý linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo. Bởi vì, đối tượng của hoạt động lãnh đạo quản lý là con người với những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, và luôn xuất hiện những tình huống Ị đột xuất không thể lường trước được trong hoạt đông của người lãnh đạo quản lý. Vì vậy, nhà quản lý không thể áp dụng các nguyên tắc quản lý đối với mọi đối tượng và mọi hoàn cảnh. Ớ góc độ này, hoạt động quản lý là một nghệ thuật.

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Làm thế nào để cảm thấy “đủ” trong cuộc sống

Học cách yêu để mang lại cuộc sống hạnh phúcLiên tục chạy theo và đáp ứng những ham muốn, tham vọng trong cuộc sống, con người dường như đánh mất đi hạnh phúc của mình. “Như thế nào là đủ?” là một câu hỏi khó có được câu trả lời chính xác.

“Tôi đã đủ hạnh phúc chưa?” hoặc có thể rút gọn thành “Tôi đã cảm thấy đủ với cuộc sống hiện tại chưa?”. 
Cân đo đong đếm cảm xúc giống như việc xác định trọng lượng của đại dương hay liệt kê những thứ trên đời mà loài mèo ghét bỏ vậy. Đơn giản đây là chuyện không thể.
Vẫn câu hỏi đó “Bao nhiêu là đủ?”.
Có lẽ các nhà tiếp thị đã nhìn ra được sự tuyệt vọng trong câu hỏi khó tìm được câu trả lời này. Thế nên, họ đã lồng vào những mẩu quảng cáo lời hứa hẹn “Chỉ cần bạn có…, là đủ…”.
“Chỉ cần uống thuốc giảm cân Slimfat là đủ để bạn sở hữu thân hình cân đối”.
“Chỉ cần sử dụng xe Jeep là đủ cho một chuyến khám phá”.
“Chỉ cần mang giày Nike là đủ trở thành vận động viên điền kinh”.
“Chỉ cần tham gia vào công ty môi giới Scottrade là đủ để trở nên giàu có”.
Cùng ý nghĩa có thể được diễn đạt bằng nhiều hình thức. Chỉ cần điền tên thương hiệu vào chỗ trống thứ nhất và mong muốn sâu sắc nhất của khách hàng vào chỗ trống thứ hai và nó sẽ ngay lập tức trở thành một chiến lược kinh doanh. Càng thành công nếu như các nhãn hàng đã có đối tượng kinh doanh cụ thể.
Nhưng suy nghĩ này sẽ trở nên sai lệch nếu đặt vào một mối quan hệ cụ thể. “Người ấy sẽ làm tôi đủ”, điều này rất nguy hiểm.
Chẳng có ai hoặc thứ gì có thể lấp đầy khoảng trống vô hạn của con người. Khi con người biết “đủ” với những điều này, cuộc sống ắt sẽ vui vẻ.

ĐỦ HẠNH PHÚC

“Mỗi ngày là một ngày mới”.
(Nguồn: Josh Felise)
Con người thường có khuynh hướng kéo dài nỗi buồn của ngày hôm qua, nhưng điều này lại chỉ khiến cho bạn bỏ lỡ những điều tuyệt vời của ngày hôm nay. Ngày hôm nay là duy nhất, những thứ mới mẻ cũng sẽ đến. Bạn nên học cách bỏ qua những thất bại trong quá khứ, nhìn về tương lai với đôi mắt tích cực hơn.

ĐỦ TẬP TRUNG

“Bạn cần đứng vững vì ít nhất một điều gì đó, nếu không bạn sẽ gục ngã bởi bất cứ điều gì”.
(Nguồn: Stefan Cosma)
Quá nhiều điều muốn làm, quá nhiều thứ muốn có cũng khiến bạn cảm thấy chẳng bao giờ là “đủ”. Thay vì để quá nhiều thứ làm dàn trải tâm trí của bạn, hãy giới hạn và tập trung vào những thứ bạn thích nhất, giỏi nhất.

ĐỦ CĂNG THẲNG

“Mệt mỏi là chiếc gối êm nhất”.
(Nguồn: Josefa nDiaz)
Nghe thì có vẻ vô lý, vì sao lại phải đủ căng thẳng? Trên thực tế, nếu ở trong môi trường thoải mái, con người thường có xu hướng thả lỏng bản thân nhiều hơn. Những lúc căng thẳng, bị “dồn ép” với một mức độ vừa phải, có thể kích thích con người làm việc, tư duy, sáng tạo, thậm chí là vượt qua cả giới hạn bản thân. Kiểm soát sự căng thẳng ở mức độ vừa phải là cách để cuộc sống luôn “chạy”, luôn mới mẻ và luôn có tính thử thách.

ĐỦ NGÂY THƠ

“Khôn ngoan để sống với người nhưng phải đủ ngây thơ thì mới tận hưởng phần nào hạnh phúc ở đời”.
(Nguồn: Robert Collins)
Thỉnh thoảng, bạn cần học cách nhắm mắt trước cuộc đời. Điều này không hẳn là trốn tránh, chỉ là để bạn có một ít thời gian để cân bằng lại suy nghĩ, tâm trạng. Hãy thử tưởng tượng, mỗi ngày bạn đều đọc thấy những tin tức như tai nạn hay chiến tranh, liệu bạn có cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi không. Học cách làm ngơ những điều không quá quan trọng, bạn sẽ thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều.
ĐỦ SỨC KHỎE
“Người ta không coi trọng sức khỏe cho tới khi đau yếu”.
(Nguồn: Curtis MacNewton)
Điều này là điều quan trọng nhất. Làm sao bạn có thể sống hạnh phúc khi mỗi ngày bạn đều phải đối diện với thuốc men và bệnh tật? Ăn nhiều rau xanh, ngủ đủ giấc, nói không với thuốc lá, rượu bia, tập thể dục thường xuyên… là những cách để bảo vệ sức khỏe.

ĐỦ NHÀM CHÁN

“Không làm gì là trạng thái bảo vệ bản thân, khoan dung với chính mình để tự thân trải nghiệm cảm giác chờ đợi một cái gì đó dù không rõ đó là gì”.
(Nguồn: Thong Vo)
Trong cuộc sống hiện đại, nhàm chán có vẻ như đại diện cho sự thất bại, lười biếng, tuy nhiên, vẫn cần một chút buồn chán để cuộc sống thêm trọn vẹn. Có những lúc con người nên dừng lại để tìm hiểu bản thích thích gì, cần gì và muốn gì. Như cách nhà phát minh Archimedes phát hiện ra nguyên lý Archimedes trong lúc đang tắm, những ý tưởng tuyệt vời nhất có thể ra đời lúc con người ta thoải mái nhất.

ĐỦ YÊU THƯƠNG

“Nơi nào có tình yêu, nơi đó có cuộc sống”.
(Nguồn: Aaron Burden)
Yêu và được yêu là chìa khóa cuối cùng để mở cánh cửa hạnh phúc. Yêu thương là liều thuốc hàn gắn, chữa lành hiệu quả hơn bất cứ điều gì. Nếu mỗi ngày bạn đều có thể sống trong tình yêu thương, bạn sẽ là người hạnh phúc.
Cuộc sống thường được ví von như nồi súp vậy. Nếu được nêm nếm đầy đủ, vừa phải tất cả các gia vị thì cuộc sống sẽ hạnh phúc đủ đầy. Chỉ cần nêm nếm “quá tay” loại gia vị nào cũng khiến nồi súp mất vị ngon, cuộc sống cũng mất đi ý nghĩa.

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Đó là dân vận
7:11' 22/1/2018

Ngay trong những ngày đầu năm 2018 có một số sự kiện quan trọng, gây sự chú ý của người dân. Thứ nhất, Ban Dân vận Trung ương tổng kết công tác năm 2017 lấy năm 2018 là “Năm Dân vận chính quyền”. Cũng trong tuần đầu năm 2018, tại hai đầu đất nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai phiên tòa được mở ra xét xử hơn 60 bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đồng thời, tại một số trạm thu phí BOT ở nhiều nơi...vẫn tiếp tục xảy ra căng thẳng giữa người dân quanh khu vực và một số lái xe với ban quản lý thu phí của trạm.
Có vẻ các sự kiện, vụ việc nói trên không liên quan tới công tác dân vận, nhưng thực chất chúng có liên quan. Tại Hội nghị dân vận toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh: “Các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức phải lăn lộn cùng các cán bộ dân vận, nắm dân, nắm cơ sở, chống nguy cơ rất lớn là bệnh quan liêu, bệnh xa dân”; “Bởi vì yêu cầu bức thiết này có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà còn ý nghĩa chiến lược lâu dài. Mất dân là mất tất cả”; “Không ít cán bộ không sát dân, xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân. Đừng chủ quan là dân không biết các hoạt động của chúng ta, các hành vi cụ thể của chúng ta”; “Như vậy, có chuyển biến trong “Năm dân vận chính quyền” hay không sẽ được đo bằng những việc cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ nhân dân, chăm lo cho nhân dân chứ không phải chỉ bằng những vận động chung chung”. Điều này cũng có nghĩa là, việc đưa ra xét xử một số vụ án kinh tế lớn ngay đầu năm mới và trước đó, những vụ án đưa ra xét xử trong năm 2017 là hậu quả của việc quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm gây tổn hại rất lớn về kinh tế, có vụ tới hàng nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Việc quần chúng, nhân dân, một số lái xe bức xúc, đấu tranh, thậm chí nổi giận, khi phải trả phí quá cao, đặt sai vị trí trạm cũng như khoảng cách giữa các trạm thu phí không theo quy định. Một nguyên nhân nữa rất quan trọng khiến người dân bức xúc là trước khi xây dựng, nâng cấp đường BOT, người dân địa phương, cơ sở nơi có đường đi qua không được biết, không được bàn về vấn đề này. Một số nơi lý giải rằng đã thống nhất với hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng như thế là chưa đúng, chưa đủ theo quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở. Làm rõ đúng sai khi người dân và nhiều lái xe bức xúc, phản ứng trước các trạm thu phí BOT trong thời gian tới sẽ cần được làm rõ, rút kinh nghiệm. Làm cho người dân bức xúc, phản ứng trong một thời gian dài ở nhiều trạm thu phí BOT thời gian qua rõ ràng có trách nhiệm của Bộ Giao thông-Vận tải, các cấp chính quyền nơi có đường đi qua và của các doanh nghiệp xây dựng các tuyến đường BOT. Nếu cứ để “việc đã rồi” tức là sau khi người phản ứng, nổi giận rồi mới đối thoại, làm công tác dân vận thì là “hạ sách”. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói trong Hội nghị dân vận vừa qua: “Phải lo công tác dân vận từ xa, từ sớm, chứ không phải đợi đến lúc cháy nhà chết người. Mỗi cán bộ, công chức phải có trách nhiệm nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Trong cuộc họp cuối năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa ra xét xử một số vụ án lớn ngay trong những ngày đầu năm 2018. Điều này, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, không có “vùng cấm” và không phải chỉ “tắm từ vai trở xuống”. Việc đưa ra xét xử nhiều đại án kinh tế, với hành loạt cán bộ, đảng viên phải ra hầu toàn, đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, kiến nghị xử lý một loạt cán bộ lãnh đạo quản lý, nguyên cán bộ lãnh đạo quản lý một số bộ, ngành, địa phương liên quan đến sai phạm trong lãnh đạo, điều hành, bổ nhiệm, luân chuyển, cất nhắc không đúng một số cán bộ mà dư luận đã phản ứng đã làm cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng tăng lên. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân hiện nay, công tác dân vận chủ yếu đặt nhiệm vụ trọng tâm vào các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước. Bởi vì, đây là những chủ thể nắm trong tay toàn bộ nền kinh tế, ngân sách, chế độ phục vụ, các chính sách kinh tế-xã hội cũng như các chế độ dịch vụ công, phúc lợi xã hội.
Từ kết quả thành tích kinh tế-xã hội trong năm qua, cũng như những vụ việc bức xúc, nổi cộm của quần chúng nhân dân và quyết tâm xử lý không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ngay trong những ngày đầu năm 2018, có thể rút ra 2 yếu tố rất quan trọng để dân vận chính quyền thành công: sự nêu gương của cán bộ công chức và có chính sách kinh tế-xã hội đúng đắn, hợp lòng dân. Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đó là dân vận! 
Vũ Lân

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

(Thứ tư, 18/01/2017 - 21:21)
 
Những năm qua, các thế lực phản động, thù địch ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Bằng những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm và luận điệu sai trái, thù địch, chúng tập trung tuyên truyền, xuyên tạc bản chất của chế độ ta; bôi nhọ, làm mất uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hô hào hạ bệ thần tượng của nhân dân Việt Nam; kích động các phần tử bất mãn, thoái hóa biến chất, số cơ hội chính trị điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phương hướng nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Cần “ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”.
 
Vậy, vì sao các thế lực phản động, thù địch lại điên cuồng chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đó là vì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta; là hệ thống lý luận hội đủ tính khoa học và cách mạng, chứng minh sự vận động khách quan của tiến trình lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ sự vận động mang tính quy luật phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... chứng minh tính khoa học, cách mạng của sự vận động đó, khẳng định tương lai của nhân loại là chủ nghĩa cộng sản; chỉ ra con đường đấu tranh giai cấp giành độc lập dân tộc và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nhà lý luận của giai cấp vô sản sau Mác - Lênin đều thừa nhận công lao to lớn, vĩ đại của C.Mác, Ph.Ănghen và Lênin; tôn vinh các ông là bậc vĩ nhân khi lần đầu tiên trong lịch sử vạch ra hệ tư tưởng của giai cấp vô sản hướng đến giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại thoát khỏi mọi áp bức, bất công, xây dựng một xã hội mới hoàn toàn tốt đẹp. Các học giả, không chỉ các nhà tư tưởng của giai cấp vô sản, mà ngay cả các nhà khoa học, các nhà lý luận hàng đầu của các nước tư bản cũng thừa nhận tính khoa học, cách mạng, tính nhân văn sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Giắc-Đê-Riđa, một viện sĩ hàng đầu của Pháp đã bày tỏ sự ngưỡng mộ chủ nghĩa Mác - Lênin, trong khi đề cao hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác, về sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng lớn và trở thành trục chính của nhân loại trong tương lai, ông cho rằng, chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã thể hiện tính ưu trội ở chỗ, chủ nghĩa đó hướng đến mục tiêu xuyên suốt là cho con người, vì loài người. Trái lại, hệ tư tưởng của giai cấp tư sản không hướng đến mục tiêu vì con người và loài người. Mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa tư bản là lợi nhuận tối đa cho một nhóm người, đó là các công ty xuyên quốc gia, bọn tài phiệt... trong xã hội tư bản. Chẳng hạn, tại Mỹ, một “siêu cường quốc” nhưng lượng tài sản khổng lồ chủ yếu nằm trong tay các nhà tài phiệt và các công ty đa quốc gia.
 
Từ bức tranh đó, chúng ta thấy rõ bản chất bóc lột và đầy bất công của chủ nghĩa tư bản nên nó không thể là đại diện cho tương lai của loài người. Chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin, với bản chất cách mạng và khoa học, vì con người, cho con người nên đã trở thành ngọn cờ tiên phong cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đi đến thắng lợi. Tính ưu việt và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại tiến lên xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, hạnh phúc, không có người bóc lột người.
 
Tuy vậy, quá trình vận động của lịch sử không thể “bằng phẳng, thênh thang” theo đường thẳng. Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, nhân loại chứng kiến một sự kiện chấn động là sự sụp đổ của Liên Xô và một số nước Đông Âu. Các thế lực thù địch đã nhân cơ hội này không từ thủ đoạn nham hiểm nào tấn công như vũ bão vào hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng chủ nghĩa Mác đã “lỗi thời”, không còn mảnh đất để tồn tại nữa, sự thất bại của Liên Xô và các nước Đông Âu là “sự cáo chung” của mô hình chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin.
 
Phải thừa nhận rằng, do nhận thức không đầy đủ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho nên quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước đi trước vấp phải nhiều sai lầm, khiến chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là một thực tế đau xót, ảnh hưởng lớn đến lòng tin của những lực lượng tiến bộ lựa chọn con đường, lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng không thể vì sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp mà quy chụp sai lầm của hệ tư tưởng Mác - Lênin. Đây chỉ là sự sụp đổ, thất bại của một mô hình “chủ nghĩa xã hội cổ điển” chứ tuyệt nhiên không phải là sự sụp đổ hệ tư tưởng của học thuyết Mác - Lênin.
 
Trong những thập niên gần đây, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định con đường đã lựa chọn, thông qua quá trình cải cách, đổi mới đúng hướng nên đã giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Việt Nam là một ví dụ cụ thể. Chúng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần tính cách mạng, khoa học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, nên đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới.
 
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn qua quá trình đổi mới, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, song những năm qua, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, một trong số đó là sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch trên mọi lĩnh vực, bằng những phương thức, thủ đoạn hết sức nham hiểm, tinh vi. Trong đó, chúng đặc biệt chú ý lợi dụng ưu thế của công nghệ thông tin, triệt để khai thác mạng Internet, sử dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam, thúc đẩy xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút.
 
Trên thực tế, từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các thế lực thù địch đã tập trung chỉ đạo, tài trợ; tăng cường hệ thống thông tin tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam. Đã có gần 40 đài phát thanh, truyền hình có chương trình tiếng Việt, gần 500 tờ báo, tạp chí, bản tin bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài, chĩa mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều mặt, trong đó có việc chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Trên các trang mạng xã hội, các trang website (một số Blog điển hình như: Dân làm báo, Quan làm báo, Vua làm báo, Chân dung quyền lực...) có máy chủ đặt ở nước ngoài, xuất hiện nhiều nguồn tin xuyên tạc, kích động có chủ đích chống phá  Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nguy hiểm hơn, chúng tập trung vào những vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, kích động, gây áp lực, hòng thay đổi chủ trương, đường lối của Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được. Có thể thấy, hệ thống báo nói, báo in, báo hình... do các thế lực thù địch tổ chức đã có mặt ở hầu hết các quốc gia có người Việt Nam sinh sống. Phần lớn các đài phát thanh, truyền hình, báo chí bằng tiếng Việt ở các nước đều bị các thế lực thù địch, các đảng phái, các tổ chức phản động lưu vong chi phối, thao túng hoặc lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam.
 
Nội dung tuyên truyền chống phá của các lực lượng này là tập trung chĩa mũi nhọn vào hệ tư tưởng Mác - Lênin. Phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, phủ nhận các nguyên lý của chủ nghĩa Mác; bác bỏ lý luận về sự phát triển chủ nghĩa xã hội, bác bỏ lý luận hình thái kinh tế - xã hội, về sự phát triển của các hình thái là quá trình khách quan, tự nhiên; phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư, các vấn đề chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đã kích động, lôi kéo các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tăng cường xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta; phủ định những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, cường điệu những yếu kém, khuyết điểm của nền kinh tế - xã hội và quy chụp đó là do yếu kém trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước; kích động nhân dân đòi đa nguyên, đa đảng, gây xáo trộn, rối loạn trong xã hội ta, từ đó lập mưu, tính kế kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân từ bỏ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
 
Một thông lệ quen thuộc của các thế lực thù địch là sau khi tuyên truyền, vu khống, bôi nhọ đối phương, họ lại tung hô, ca ngợi mô hình phát triển của chủ nghĩa tư bản, cho đó là sự thích ứng “vạn năng”. Tuyên truyền, đề cao con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản, quảng cáo cho khả năng về “con đường thứ 3” phi xã hội chủ nghĩa. Tiến hành tuyên truyền, gieo rắc, nuôi dưỡng các trào lưu tư tưởng cơ hội, xét lại, hữu khuynh. Chúng ra sức tuyên truyền và tìm mọi cách thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; chúng tìm cách tuyên truyền rằng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là của dân tộc chứ không phải của Đảng; hãy trả lực lượng vũ trang cho nhân dân, rằng lực lượng vũ trang là phục vụ lợi ích của dân tộc, không lệ thuộc vào chính trị của một đảng phái nào. Mục tiêu của chúng là tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng; từng bước “phi chính trị hóa”, làm cho lực lượng này dao động, mất cảnh giác, thờ ơ về chính trị, suy giảm sức chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là ngón đòn nguy hiểm của các thế lực thù địch.
 
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch trong việc chống phá hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái...”2 đã được Đại hội đề cập và nhấn mạnh.
 
Ngăn chặn, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, làm tốt nhiệm vụ đó sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là nhiệm vụ nặng nề, cần phải có sự tham gia của nhiều ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tập trung cơ sở vật chất, trí tuệ... kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, phản động có hiệu quả.
 
Để đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
 
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin là giá trị trường tồn đã được thẩm định, tôi luyện trong tiến trình lịch sử của cách mạng vô sản thế giới và cách mạng Việt Nam. Tính cách mạng, khoa học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lĩnh hội trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và đã được khẳng định bởi tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Những điều tốt đẹp đó phải được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, tạo “rào chắn” hữu hiệu để “miễn dịch” các thứ độc hại từ những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Cái đảm bảo thắng lợi của việc ngăn chặn, phản bác các luận điệu sai trái chính là ở lòng tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đúng đắn do Đảng ta vạch ra. Vì thế, hơn bao giờ hết, bằng mọi cách phải củng cố, hoàn thiện hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác, làm cho uy tín của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng ta được đề cao trong xã hội. Đây chính là yếu tố quan trọng, là cơ sở để ngăn chặn, phản bác có hiệu quả mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
 
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo về mặt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thông tin và truyền thông. Tư tưởng, quan điểm được hiện thực hóa thông qua hệ thống các cơ quan làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở. Trách nhiệm của cơ quan truyền thông phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin chính xác, khách quan về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải có định hướng về mặt chính trị, tư tưởng đối với hệ thống thông tin đại chúng, hướng đến bảo vệ những thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục quần chúng tinh thần yêu nước, yêu quê hương... biết nhận diện đúng đắn và tích cực tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
 
Thứ ba, hoàn thiện, nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác tư tưởng, thông tin và truyền thông.
Những người làm công tác tư tưởng, thông tin và truyền thông phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, giác ngộ lý tưởng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đội ngũ này phải được nâng cao trình độ lý luận chính trị, hiểu biết sâu sắc những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ phải được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ về thông tin, truyền thông, phải có trình độ ngoại ngữ, trình độ nghiệp vụ, có khả năng phát hiện, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đội ngũ này không những là người biết định hướng cho công chúng phương pháp, cách thức đấu tranh, ứng phó với các luận điệu sai trái, thù địch có hiệu quả, mà chính họ là những người trực tiếp đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái. Vạch trần âm mưu xuyên tạc bản chất chế độ ta, góp phần đánh bại mọi thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta.
 
Thứ tư, hoàn thiện thể chế pháp lý nhằm quản lý hiệu quả công tác thông tin, truyền thông.
Hiện nay, biện pháp quản lý các phương tiện thông tin, truyền thông còn có nhiều bất cập, nhất là đối với các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là một thực tế gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm. Trong khi đó, hằng ngày, hằng giờ các thế lực thù địch tung lên mạng nhiều thông tin độc hại, tấn công vào nội bộ ta, gây nhiều khó khăn cho ta trong quản lý trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Do đó, hoàn thiện các thể chế pháp lý, ban hành các điều luật, các văn bản dưới luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông là vấn đề có tính cấp thiết hiện nay. Cùng với đó phải tăng cường các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm chủ động ngăn chặn các thông tin độc hại tấn công vào Việt Nam. Mặt khác, cần có chính sách hợp lý khuyến khích, tuyển chọn và huy động nhân tài trong lĩnh vực này, cùng với chuyên gia an ninh mạng tham gia thiết lập các “bức tường thép” để ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại thâm nhập vào nước ta. Làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
 

Đoàn kết, lời căn dặn thiết tha của Bác 6:18' 11/3/2018 Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hộ...