Đó là dân vận
7:11' 22/1/2018
Ngay trong những ngày đầu năm 2018 có một số sự kiện quan trọng, gây sự chú ý của người dân. Thứ nhất, Ban Dân vận Trung ương tổng kết công tác năm 2017 lấy năm 2018 là “Năm Dân vận chính quyền”. Cũng trong tuần đầu năm 2018, tại hai đầu đất nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai phiên tòa được mở ra xét xử hơn 60 bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đồng thời, tại một số trạm thu phí BOT ở nhiều nơi...vẫn tiếp tục xảy ra căng thẳng giữa người dân quanh khu vực và một số lái xe với ban quản lý thu phí của trạm.
Có vẻ các sự kiện, vụ việc nói trên không liên quan tới công tác dân vận, nhưng thực chất chúng có liên quan. Tại Hội nghị dân vận toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh: “Các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức phải lăn lộn cùng các cán bộ dân vận, nắm dân, nắm cơ sở, chống nguy cơ rất lớn là bệnh quan liêu, bệnh xa dân”; “Bởi vì yêu cầu bức thiết này có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà còn ý nghĩa chiến lược lâu dài. Mất dân là mất tất cả”; “Không ít cán bộ không sát dân, xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân. Đừng chủ quan là dân không biết các hoạt động của chúng ta, các hành vi cụ thể của chúng ta”; “Như vậy, có chuyển biến trong “Năm dân vận chính quyền” hay không sẽ được đo bằng những việc cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ nhân dân, chăm lo cho nhân dân chứ không phải chỉ bằng những vận động chung chung”. Điều này cũng có nghĩa là, việc đưa ra xét xử một số vụ án kinh tế lớn ngay đầu năm mới và trước đó, những vụ án đưa ra xét xử trong năm 2017 là hậu quả của việc quan liêu, suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm gây tổn hại rất lớn về kinh tế, có vụ tới hàng nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Việc quần chúng, nhân dân, một số lái xe bức xúc, đấu tranh, thậm chí nổi giận, khi phải trả phí quá cao, đặt sai vị trí trạm cũng như khoảng cách giữa các trạm thu phí không theo quy định. Một nguyên nhân nữa rất quan trọng khiến người dân bức xúc là trước khi xây dựng, nâng cấp đường BOT, người dân địa phương, cơ sở nơi có đường đi qua không được biết, không được bàn về vấn đề này. Một số nơi lý giải rằng đã thống nhất với hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng như thế là chưa đúng, chưa đủ theo quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở. Làm rõ đúng sai khi người dân và nhiều lái xe bức xúc, phản ứng trước các trạm thu phí BOT trong thời gian tới sẽ cần được làm rõ, rút kinh nghiệm. Làm cho người dân bức xúc, phản ứng trong một thời gian dài ở nhiều trạm thu phí BOT thời gian qua rõ ràng có trách nhiệm của Bộ Giao thông-Vận tải, các cấp chính quyền nơi có đường đi qua và của các doanh nghiệp xây dựng các tuyến đường BOT. Nếu cứ để “việc đã rồi” tức là sau khi người phản ứng, nổi giận rồi mới đối thoại, làm công tác dân vận thì là “hạ sách”. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói trong Hội nghị dân vận vừa qua: “Phải lo công tác dân vận từ xa, từ sớm, chứ không phải đợi đến lúc cháy nhà chết người. Mỗi cán bộ, công chức phải có trách nhiệm nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Trong cuộc họp cuối năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa ra xét xử một số vụ án lớn ngay trong những ngày đầu năm 2018. Điều này, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, không có “vùng cấm” và không phải chỉ “tắm từ vai trở xuống”. Việc đưa ra xét xử nhiều đại án kinh tế, với hành loạt cán bộ, đảng viên phải ra hầu toàn, đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, kiến nghị xử lý một loạt cán bộ lãnh đạo quản lý, nguyên cán bộ lãnh đạo quản lý một số bộ, ngành, địa phương liên quan đến sai phạm trong lãnh đạo, điều hành, bổ nhiệm, luân chuyển, cất nhắc không đúng một số cán bộ mà dư luận đã phản ứng đã làm cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng tăng lên. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân hiện nay, công tác dân vận chủ yếu đặt nhiệm vụ trọng tâm vào các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước. Bởi vì, đây là những chủ thể nắm trong tay toàn bộ nền kinh tế, ngân sách, chế độ phục vụ, các chính sách kinh tế-xã hội cũng như các chế độ dịch vụ công, phúc lợi xã hội.
Từ kết quả thành tích kinh tế-xã hội trong năm qua, cũng như những vụ việc bức xúc, nổi cộm của quần chúng nhân dân và quyết tâm xử lý không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ngay trong những ngày đầu năm 2018, có thể rút ra 2 yếu tố rất quan trọng để dân vận chính quyền thành công: sự nêu gương của cán bộ công chức và có chính sách kinh tế-xã hội đúng đắn, hợp lòng dân. Bác Hồ đã từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đó là dân vận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét