Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Cuốn "Sửa đổi lối làm việc" - Những nội dung lớn về xây dựng Đảng
7:14' 28/5/2017
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đọc lại cuốn “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947 tại Việt Bắc với bút danh X.Y.Z bằng bút pháp tỉ mỉ, sâu sắc, ngắn gọn đã nói những điều mà tất cả đảng viên, cán bộ phải quan tâm thực hiện. 70 năm đã qua, cách mạng đã trải qua nhiều giai đoạn, cuốn sách luôn là cẩm nang về đạo đức cách mạng, đồng hành cùng sự nghiệp của Đảng, có giá trị thời đại to lớn… 


Bối cảnh ra đời cuốn sách

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” không phải một văn phòng sang trọng với đầy đủ tiện nghi mà trên một ngọn đồi trong cánh rừng già thưa vắng, có tên là đồi Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi Bác dừng chân ngày 20-5-1947, đó là một thời điểm đặc biệt của cách mạng…
Cuốn sách được hoàn thiện vào cuối năm 1947, nghĩa là Đảng ta mới thực sự nắm quyền được 2 năm. Và, sau 2 nắm cầm quyền, Đảng đã lãnh đạo chính quyền đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khỏi tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Vừa củng cổ, phát triển Đảng, xây dựng chính quyền non trẻ, phát triển lực lượng cách mạng, vừa phải đẩy lùi giặc dốt, giặc đói, loại bỏ một số kẻ thù, phát động kháng chiến khi giặc Pháp quay trở lại; đưa cơ quan đầu não kháng chiến về Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo toàn dân tộc kháng chiến chống Pháp. Cũng chỉ 2 năm đó, Bác Hồ đã phát hiện một số căn bệnh của Đảng cầm quyền mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tổn hại lớn cho Đảng. Cũng thời điểm đó, nhân dân cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, ở một giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất, phải đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp với hơn 12.000 quân, đủ các binh chủng tinh nhuệ với âm mưu tiêu diệt đầu não của cách mạng, phá tan nhà nước non trẻ. Trong cam go, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn ngồi viết tác phẩm bằng trách nhiệm cao nhất trước toàn Đảng, toàn dân. Người chỉ đạo việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao uy tín và đạo đức của Đảng trước nhân dân; đề cao và khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Người chỉ rõ: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho đất nước thống nhất và độc lập. Vì vậy mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết,  siêng năng, nhất trí. Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to, sai một ly đi một dặm. Vì vậy chúng ta phải cương quyết sửa chữa khuyết điểm” (Thư gửi các đồng chí Bắc bộ - 1947).
Nội dung lớn trong “Sửa đổi lối làm việc”
Cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” chỉ khoảng 100 trang khổ 13cm x 19cm do Bác Hồ viết và hoàn thiện tại Đồi Khau Tý cuối năm 1947, ký tên X.Y.Z và Nhà xuất bản Sự thật in và phát hành toàn quốc đầu năm 1948. Cuốn sách nêu 6 nội dung lớn, là 6 vấn đề hệ trọng. Có vấn đề lâu dài, có vấn đề là trước mắt, có vấn đề là căn bệnh trầm kha. Sáu vấn đề đó là: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo và chống thói ba hoa... Từ chủ đề chính là xây dựng chỉnh đốn Đảng, cuốn sách đã đề cập những vấn đề cấp bách:
Thứ nhất, Bác dạy phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình. Phải khắc phục cho được tình trạng hữu khuynh, né tránh cũng như thiếu xây dựng trong phê bình, thiếu trung thực trong tự phê bình. Ngay trong phê bình, Bác cũng chỉ ra phương thức tổ chức, hình thức tổ chức làm sao để hiệu quả nhất. Ngay trong phê bình thì cách tiến hành phê bình phải xác định rõ mục đích của phê bình, phê bình rồi thì phải thực hiện việc phê bình đó, trong phê bình chống thói trù dập, bệnh hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, phê bình là động lực cho sự phát triển, chứ tuyệt nhiên phê bình không phải để hạ thấp lẫn nhau. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Tự phê bình phải ráo riết và lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật để tự phê bình.
Thứ hai, Bác chỉ rõ, đảng viên cán bộ phải nhận thức đúng đắn vai trò của lý luận và đổi mới việc giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên; phải khắc phục cho được bệnh coi thường lý luận, lý luận suông, sách vở, giáo điều, phải học tập lý luận chính trị một cách thiết thực, tránh hình thức, qua lọa, đại khái…
Thứ ba, Người đề cao vai trò của đạo đức cách mạng và việc tư dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, khắc phục cho được các bệnh tham ô, lãng phí. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính theo Bác không có gì khó. Tóm tắt lại có 5 điều răn: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhân - là người, đã là người thì phải hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào, chịu khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không tham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền; Nghĩa - là sự ngay thẳng, không làm việc gì giấu Đảng, giấu dân. Trí - là đầu óc trong sạch, sáng suốt, biết xem người, biết xem việc, biết tránh những điều có hại cho Đảng, biết cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Dũng - người có trí dũng, có gan làm việc, có gan sửa chữa khuyết điểm, nếu cần có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc. Liêm, là người không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình, quang minh, chính đại. Người đảng viên cộng sản chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Thứ tư, Bác chỉ ra những vấn đề thuộc về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ và phải đổi mới cách đánh giá bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ là sử dụng người có tài, có đức, có cách phẩm chấn cần, kiệm, liêm, chính. Những người như vậy phải được bồi dưỡng và sử dụng.
Thứ năm, vấn đề cách lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng ra quyết định đúng và kịp thời, tổ chức thực hiện đúng, khéo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng đắn.
Thứ sáu, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục. Tầm quan trọng và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục mang tính thuyết phục, nhất là phải đổi mới cách nói và viết của cán bộ, đảng viên, phải khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm.

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Tháng NĂM nhớ BÁC
  
     Trong những ngày tháng Năm lịch sử, trong tim mỗi người Việt Nam luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng trân trọng, biết ơn, thành kính nhớ đến Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Đã hơn 40 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ.
         Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, là lãnh tụ của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19-5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối mọi lễ nghi kỷ niệm. Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan không nên tổ chức vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong khi đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Nhớ về Người là nhớ về tấm gương trong sáng, khiêm nhường, cao đẹp, cả đời vì nước, vì dân.
Khi 21 tuổi, với tên gọi Văn Ba, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nộ lệ ngoại bang. Cuộc hành trình khắp năm châu bốn biển, làm đủ mọi nghề để sống và tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng Việt Nam lên trên hết. Bằng tinh thần tự học, Người đã không ngừng vươn lên trở thành biểu trưng sinh động phong cách sống của một người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, không ham danh lợi. Sự giản dị ở Người đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người.
         Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền thời đó.
Trước tình hình đất nước “như ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19-5-1946, lần đầu tiên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức mừng sinh nhật Bác như để biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: Thật ra, mọi người ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình. Những năm sau đó, thường cứ đến dịp sinh nhật, Bác lại thực hiện những chuyến công tác xa để tránh chúc tụng, lễ hội. Cả cuộc đời Người đã hóa thân  vào dân tộc và nhân loại!
         Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, lần đầu tiên Bác viết: Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút, Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu: “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau. Sinh nhật lần thứ 78, Bác không “vắng nhà” như các năm trước, mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc”. Bác viết thêm một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là phải hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân… 
           Khi Bác 79 tuổi, tháng 5-1969, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác 80 tuổi vào năm 1970, Bác nói: Đừng tổ chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả... 
           Sự từ chối lễ nghi của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, Nhà nước trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm nhường, giản dị, cao đẹp của người đầy tớ nhân dân, vì nhân dân. Nhân cách ấy càng làm cho hình ảnh Bác trở nên cao đẹp hơn và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người trở nên vừa lung linh cao quý, vừa gần gũi với dân.
Tháng Năm này tuy Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng, tình cảm thiết tha và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay. Thấm nhuần lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. 
        Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội... Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, làm gương cho cấp dưới noi theo.    
Thông báo Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng
 
Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 10-5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo Hội nghị. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo Hội nghị. 

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 5-5 đến 10-5-2017, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp để thảo luận, cho ý kiến về: Đề án "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; Đề án "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; Đề án tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân"; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng năm 2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2016 và xem xét thi hành kỷ luật cán bộ . Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
Sau khi xem xét và thảo luận các tờ trình, đề án và các báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị: 
1 - Thông qua nội dung cơ bản các văn kiện sau đây: 
- Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
- Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 
- Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương và báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, ban hành chính thức và tổ chức thực hiện các Nghị quyết nói trên. 
2- Tán thành với Tờ trình và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khẳng định việc kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, bài bản, đạt yêu cầu đề ra. 
3- Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. 
4- Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm: Báo cáo của Bộ Chính trị về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2016; Báo cáo về công tác tài chính đảng năm 2016.
5- Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh gồm nhiều nội dung, trong đó phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình là nét đặc sắc về phong cách tư duy của Người. Phong cách tư duy đặc sắc này có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực to lớn đối với các cấp lãnh đạo và đối với mỗi cá nhân chúng ta trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống hôm nay.

Trước hết, sự thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Bác Hồ là người luôn biết xuất phát từ cái chung, nhân loại, từ những chân lý phổ biến để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Người đã từng viết: "Tuy phong tục mỗi dân một khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ"1.
Trong công tác đối ngoại, để đàm phán, vận động thuyết phục đối phương đồng thuận, Bác Hồ thường lập luận trên cơ sở nguyên tắc về tính đồng nhất của nguyên lý. Điều này được thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người, đặc biệt là trong thư gửi những người bạn Pháp ở Đông Dương năm 1946. Bằng lập luận chặt chẽ, Người đã phân tích một cách sâu sắc cho những người bạn Pháp thấy rõ lòng yêu nước, yêu độc lập tự do của người Pháp và người Việt đều giống nhau. Do đó, các bạn người Pháp ủng hộ lý tưởng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Bởi vì, đó là lý tưởng của cả người việt và người Pháp. Về vấn đề hệ trọng này, Người đã viết: "Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do... Chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi"2.
Với phong cách tư duy này, Bác Hồ luôn gắn kết nhuần nhuyễn, biện chứng giữa lý tưởng cách mạng với đạo đức nhân văn. Điều này được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 20-12-1946) của Người. Bản thân Lời kêu gọi có sức mạnh giục giã như lời hịch của núi sông, thôi thúc mọi người cầm vũ khí, đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng lại được viết bằng những lời lẽ rất hòa bình, nhân danh chính nghĩa mà chiến đấu, không hề có một chữ nào nói đến hận thù và chém giết.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Người đã nhiều lần kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, kiên quyết đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Song trong các lời kêu gọi ấy, Người luôn đề cao tình đoàn kết, lòng biết ơn và sự kính trọng về sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân tiến bộ Mỹ. Trong nhiều bài nói, bài viết, Người đã chân thành cám ơn hàng vạn thanh niên, sinh viên, hàng ngàn nhà khoa học, văn nghệ sĩ Mỹ đã rầm rộ biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính phủ Mỹ. Người nhiệt liệt ca ngợi những tấm gương anh dũng hy sinh vì hòa bình của nhân dân Mỹ như cụ bà Henga Hécdơ và các chiến sĩ hòa bình Noman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ, Xilin Gian Caoxki. Đặc biệt, Người đã ví sự đoàn kết đấu tranh của nhân dân hai nước Việt - Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của bè lũ hiếu chiến Mỹ như hai mũi giáp công. Người khẳng định: "Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng"3.
Với phong cách tư duy có lý có tình, Bác Hồ đã xử lý đúng đắn, hài hòa từ những sự việc trọng đại của đất nước đến những vấn đề cụ thể đối với cuộc sống của mỗi con người. Chính với phong cách tư duy này, Người đã thức trắng trọn một đêm, để đi đến kết luận đúng đắn đối với vụ án tử hình nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (ngày 5-9-1950). Sự quyết định thấu lý đạt tình đối với vụ án lịch sử này của Người, đã được toàn dân, toàn quân rất đồng tình ủng hộ.
Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những yêu cầu nhiệm vụ mới, những thực tiễn mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó học tập và làm theo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ là nội dung rất quan trọng. Để học tập và làm theo phong cách tư duy đặc sắc này của Người, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, biện pháp, trong đó, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, phương pháp luận đặc biệt quan trọng để Đảng, Nhà nước ta đề ra các đường lối, chính sách, nhất là trong việc hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng lý luận mà còn là nội dung quan trọng để vận dụng vào hoạch định các chiến lược phát triển một cách hài hòa, đúng đắn, sáng tạo. Vận dụng phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta phải xác định sao cho nền kinh tế luôn phát triển hài hòa, bền vững; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kiên quyết tránh kiểu phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chúng ta còn phải biết gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng đất nước với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong xây dựng các giải pháp, bước đi chiến lược, chúng ta phải xác định cho toàn dân, toàn quân thấy rõ trách nhiệm là, luôn nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, nhất là phong cách tư duy uyển chuyển, có lý có tình, trong hoạch định chiến lược đối ngoại, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đối ngoại, hội nhập quốc tế, chúng ta phải luôn nắm vững và thực hiện tốt phương châm ''vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Đây là phương châm thể hiện sinh động phong cách tư duy uyển chuyển của Bác Hồ. Phương châm này không chỉ thực hiện trong lĩnh vực đối ngoại, mà còn phải được thực hiện tốt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Hai là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là cơ sở lý luận, phương pháp luận, mà còn có vai trò to lớn trong chỉ đạo phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương. Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương phải chú ý đảm bảo sao cho địa phương mình phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện; phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn trong sạch, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, khi tổ chức thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì, các địa phương đều phải bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp với người dân. Trong những năm vừa qua, liên tục có hàng ngàn đơn khiếu kiện về đất đai ở các địa phương, gây bức xúc trong xã hội. Để dẫn đến tình trạng khiếu kiện này là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các địa phương chưa giải quyết được hài hòa giữa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa tập thể địa phương với lợi ích của từng hộ gia đình, từng cá nhân cụ thể.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương còn cần phải tiến hành có lý có tình, có trước có sau, phải luôn biết gắn kết giữa kỷ cương pháp luật với đạo đức nhân văn truyền thống. Thực tế trong những năm qua ở các địa phương đã chứng tỏ rằng, những nhiệm vụ mà tổ chức thực hiện thấu lý đạt tình thì luôn đạt hiệu quả cao. Ví dụ như, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương như huyện Đan Phượng, Đông Anh (Hà Nội), huyện Hoa Lư (Ninh Bình); huyện Đồng Triều (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai), huyện Củ Chi, Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh)… do có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hài hòa, có biện pháp tổ chức thực hiện hợp lý hợp tình, nên sớm đạt chuẩn nông thôn mới, tạo được bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương, cơ sở do mắc bệnh thành tích, chạy đua xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá, nên cho dù đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nợ đọng nhiều. Tính đến nay, gần 2.000 xã trên địa bàn cả nước đã nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Những tồn tại thiếu sót trên, đặt ra cho các địa phương phải quán triệt sâu sắc hơn nữa phong cách tư duy Hồ Chí Minh, sáng tạo tìm ra các biện pháp hợp lý hợp tình để từng bước khắc phục.
Ba là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xử lý các mối quan hệ của mỗi con người đối với đời sống hiện thực.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh có vai trò chỉ đạo rất to lớn, rất thiết thực đối với mỗi con người trong xử lý các mối quan hệ của đời sống hiện thực. Quán triệt và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển có lý có tình của Bác Hồ, trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân phải có tư duy sáng suốt để xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng; giữa cá nhân với gia đình và xã hội; nhất là các mối quan hệ giữa cá nhân với tổ chức; giữa cá nhân với cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mà mình công tác.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân còn phải có tư duy khoa học, tư duy biện chứng để xử lý hài hòa các mối quan hệ của đời sống cá nhân, như mối quan hệ giữa làm việc với nghỉ ngơi; giữa học tập và công tác; giữa rèn luyện phẩm chất với bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và năng lực. Đặc biệt, mỗi con người còn phải biết xử lý đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ có tính chất vĩ mô, như mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhất là nghĩa vụ đối với Tổ quốc.
Trong tình hình mới hiện nay, việc đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo phong cách tư duy của Người vào giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn mới là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết đối với các cấp lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
----------------
1, 2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 4, tr.397, 75.
3) Sách đã dẫn, tập 11, tr.524.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Hội chứng né tránh trách nhiệm
15:41' 6/5/2017
(Ảnh minh họa)
Cái gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, từ việc bị "cát tặc" đe dọa, đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, việc xây dựng bệnh viện… Cái gì cũng chờ ý kiến thường vụ, từ việc thanh tra quy trình bổ nhiệm, đến việc xử lý lấn chiếm đất công, việc bảo đảm trật tự vỉa hè… Xin ý kiến những việc không đáng xin, chờ ý kiến những việc không đáng chờ là những biểu hiện rất dễ nhận biết của hội chứng né tránh trách nhiệm. Né tránh trách nhiệm không chỉ xảy ra ở những người có chức, có quyền, mà cả nhiều cán bộ, công chức bình thường khác. Cái gì họ cũng xin ý kiến, cái gì họ cũng chờ chỉ đạo. Có vẻ như rất nhiều người chỉ làm mỗi việc là: “tham mưu cho cấp ủy và chính quyền”. Ai cũng chỉ là tham mưu, chẳng ai đủ quyết đáp để xử lý bất cứ một vấn đề gì.


Hội chứng né tránh trách nhiệm dường như đang làm cho nền quản trị quốc gia của chúng ta ngày càng tỏ ra kém hiệu năng, chi phí cơ hội cho công ăn, việc làm, cho kinh doanh và sáng tạo ngày càng tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc gì người dân và doanh nghiệp cũng phải chờ đợi.
Hiện tượng né tránh trách nhiệm có vẻ còn nghiêm trọng hơn, khi sai phạm đã xảy ra và để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho dân, cho nước. Ở nhiều nước trên thế giới, khi cầu sập, phà chìm, máy bay rơi…, bộ trưởng giao thông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm. Kể cả khi họ chẳng hề có lỗi gì trực tiếp trong những sự cố như vậy. Ở ta, biển bị ô nhiễm, đập bị vỡ, bùn bị tràn… chẳng thấy một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Kể không hết những việc “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”. Việc nâng đỡ, đề bạt một “hot girl” bất chấp mọi chuẩn mực pháp lý và đạo lý, việc cựu lái xe cho thủ trưởng “có” nhiều nhà đất hơn cả thủ trưởng, việc cả họ làm quan ở một địa phương… là những việc mà toàn dân, toàn Đảng ai cũng hiểu, nhưng những người phải chịu trách nhiệm chính thì lại không hiểu. Quả bóng trách nhiệm vì vậy bị đá câu giờ vòng vo. Điều này không chỉ gây mất lòng tin, mà còn cả sự coi khinh của công chúng.
Thông thường, ngoài cách “đá bóng” lên cho cấp trên, trong thực tế vẫn còn có mấy cách khác nữa để né tránh trách nhiệm.
Cách thứ nhất là che chắn bằng quy trình. Đề bạt người nhà, người thân cùng làm lãnh đạo trong khi đức, tài chưa đủ là sai. Việc này từ cả 500 năm trước cha ông chúng ta đã cho là sai. Luật hồi tỵ thời vua Lê Thánh Tông đã cấm cha con, anh em, bạn học… không được làm quan một nơi (Luật này thậm chí còn cấm các quan chức không được lấy vợ, tậu ruộng vườn, nhà cửa ở nơi mình chấp pháp). Đáng buồn là một cái sai rõ ràng như vậy nhưng lại đúng quy trình. Thực ra, khi một người đã làm lãnh đạo cao nhất cơ quan hoặc địa phương, việc thao túng quy trình là khá dễ dàng. Nếu không có liêm chính, họ chỉ cần nói xa nói gần với cán bộ tổ chức là quy trình sẽ được khởi động đúng hướng ngay. Đó là chưa kể khả năng của một lãnh đạo gửi gắm “các anh, các chú” là gần như vô cùng, vô tận. Mà thật ra, nhiều khi cũng chẳng cần gửi gắm. Không nói ra thì ai cũng hiểu “nếu anh ấy hay chị ấy không đồng ý, thì tổ chức đâu dám làm như vậy”. Chính vì vậy, khi để xảy ra việc đề bạt người thân, người nhà, quy trình thường ít có ý nghĩa.
Cách thứ hai là đổ lỗi cho tập thể. Việc chuyển đất rừng để nuôi bò lấy thịt, việc tuyển dụng, đề bạt thần tốc một doanh nhân, việc quy hoạch treo hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất… tất cả đều do thường vụ quyết. Thường vụ quyết thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm và không thể chịu trách nhiệm. Có lẽ, đây cũng là lý do giải thích tại sao ở không ít địa phương mọi việc từ to đến nhỏ đều được trình cho thường vụ. Thường vụ đã quyết là em tuyệt đối yên tâm. Vấn đề chưa hẳn là vì thường vụ đã quyết thì không sai, mà chủ yếu là vì thường vụ đã quyết thì em sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng né tránh trách nhiệm xảy ra khá phổ biến hiện nay?
Nguyên nhân đầu tiên đã được Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) chỉ ra là suy thoái đạo đức. Không dám chịu trách nhiệm về công việc của mình; không quyết đáp vì làm thì vất vả, mà lợi ích thì chưa thấy đâu; chỉ nói chứ không làm vì ngại đụng chạm… là những biểu hiện dễ nhận biết của suy thoái đạo đức. Khi một người cán bộ không dám nhận trách nhiệm, thì người đó chỉ sống vì mình và cho mình là chính.
Ngoài ra, việc phân công, phân nhiệm trong hệ thống của chúng ta cũng chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Chúng ta vẫn chưa có được sự phân định rạch ròi về chế độ trách nhiệm giữa những người làm chính khách với những người làm công chức; giữa tập thể với cá nhân; giữa những người làm trong bộ máy cơ quan đảng, đoàn thể với những người làm trong bộ máy nhà nước. Quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm theo cách kỷ luật đảng phải được xử lý trước, rồi mới xử lý kỷ luật về phía chính quyền cũng làm cho mọi việc có thể trở nên chậm trễ, khó khăn. Đó là chưa nói tới rủi ro của việc công đoạn trước hoàn toàn có thể vô hiệu hóa công đoạn sau của quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm.
Cuối cùng, hội chứng né tránh trách nhiệm là một vấn đề rất lớn. Để xử lý vấn đề này, bên cạnh việc nâng cao đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiến hành cải cách thể chế sâu rộng để xây dựng một hệ thống chế độ trách nhiệm rõ ràng, mạch lạc cùng các công cụ áp đặt chế độ trách nhiệm hiệu quả là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
Cải cách đầu tiên cần tiến hành là xây dựng và ban hành bản mô tả vị trí công việc của tất cả các cán bộ, công chức. Không thể có chuyện tuyển dụng vào mà không biết sẽ làm gì cụ thể, cũng không thể có chuyện tuyển dụng vào rồi làm việc gì cũng được. Với bản mô tả công việc rõ ràng cho mỗi chức danh, mỗi vị trí công việc, thì người nào đảm nhận chức danh, công việc nào sẽ phải làm hết tất cả các chức trách được giao.
Cải cách thứ hai là giảm bớt cấp phó. Nhiều nơi cấp phó còn đông hơn cả nhân viên thì sự chỉ đạo chồng chéo không chỉ gây khó cho cấp dưới mà còn vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm.
Cải cách thứ ba là tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ. Đặc biệt, bổ sung chế định thanh tra công vụ là rất quan trọng.
Đối với chế độ trách nhiệm ở tầm chính trị, điều quan trọng là phải vận hành quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và hội đồng nhân dân hiệu quả hơn nữa. Trước hết, để làm được điều này, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm theo hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, mà không phải theo ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay. Đồng thời, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần được triển khai khi có sự việc gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra...
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Việt Nam đóng góp kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội qua 30 năm đổi mới
 
Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có đầy đủ đại diện của RUSO ở các tỉnh, đại diện Đảng Cộng sản Nga, đại diện các đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến từ nhiều nước trên thế giới. Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Đức Vinh đã thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tham dự và trình bày tham luận chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đạt được trong 30 năm qua.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Hội đồng RUSO Ivan Nikitchuk nhấn mạnh chiến thắng của Cách mạng tháng Mười vĩ đại là chiến công của giai cấp vô sản Nga, đã bẻ gãy ách bóc lột hàng trăm năm giữa con người với con người, mở ra sự nghiệp chung của những người xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và trên toàn thế giới, những người đã cứu thế giới khỏi ách phát xít và xây dựng nên nhà nước hùng mạnh. Cuộc Cách mạng tháng Mười cũng là tiếng chuông kêu gọi tất cả các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh vì sự giải phóng. Chủ tịch Hội đồng RUSO cũng bày tỏ hy vọng chiến thắng vĩ đại này sẽ động viên được tất cả mọi người dân đi đến những chiến thắng mới.
Đại biểu Việt Nam điểm lại sự kiện thuở ban đầu, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga con đường cứu nước đúng đắn, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho cuộc cách mạng Việt Nam giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa sau này.
Qua 30 năm đổi mới, đúc rút kinh nghiệm từ thành tựu cũng như hạn chế, Việt Nam muốn đóng góp với RUSO 5 bài học then chốt, gồm bài học về “chủ động và sáng tạo;” bài học về “nhân dân” và “phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc;” bài học về đổi mới toàn diện, đồng bộ, tôn trọng quy luật khách quan và thực tiễn; bài học về “lợi ích dân tộc” và “phát huy sức mạnh tổng hợp;” cuối cùng là bài học về “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị."
Sau khi nghe và thảo luận tất cả các báo cáo, phiên họp toàn thể đã ra nghị quyết nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười trong tạo ra bước đột phá cho cuộc đấu tranh của giai cấp lao động để giải phóng khỏi áp bức và chà đạp. Tiến tới kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng vĩ đại này, RUSO sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tiến hành các cuộc hội thảo, hội nghị bàn tròn, thảo luận ý nghĩa và vai trò của Cách mạng tháng Mười trong xây dựng xã hội Nga, trong giải quyết các vấn đề xã hội, tham gia tất cả các hoạt động do Đảng Cộng sản tổ chức để kỷ niệm sự kiện này./. 

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII
7:25' 2/5/2017
Phong cách Hồ Chí Minh và công tác xây dựng đảng có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ với nhau. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là chúng ta đang thực hiện công tác xây dựng đảng thiết thực nhất, khoa học nhất.


Nếu phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động; là giá trị cốt lõi về tính nhân văn trong tư tưởng, đạo đức của Người, thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chứa đựng sâu sắc những chuẩn mực giá trị về đạo đức, văn minh của một Đảng cầm quyền; trở thành những nguyên tắc trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm và sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên ngày càng có phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, tư duy khoa học, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng là vận dụng những giá trị cốt lõi, tính nhân văn được kết tinh từ những đặc trưng tiêu biểu Hồ Chí Minh vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức, cơ sở đảng. Điều đó, trái hẳn với việc đòi hỏi phải làm theo như kiểu rập khuôn máy móc; càng không phải là cách học hình thức, qua loa, mà là đòi hỏi sự gương mẫu rất cao độ, rất sáng tạo và rất cầu thị của mỗi cán bộ, đảng viên; trở thành yêu cầu cấp thiết trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay của Đảng ta và nhân dân ta.
Đại hội lần thứ XII của Đảng khi đặt yêu cầu tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII cũng nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Theo đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng đặt ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng, đạo đức nói chung và phong cách Hồ Chí Minh nói riêng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xét về nội dung của phong cách Hồ Chí Minh thì không nằm ngoài những phẩm chất, tiêu chí trong công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đề ra.
Những điểm nổi bật trong phong cách của Hồ Chí Minh được thể hiện trên các bình diện lớn là: 1) Phong cách về tư duy, trước hết là tư duy về phép biện chứng duy vật, xuất phát từ thực tiễn để trở lại biến đổi thực tiễn với những đặc trưng, như phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình trong mọi hoạt động. 2) Phong cách làm việc, được thể hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo; làm việc khoa học và luôn đổi mới, sáng tạo. 3) Phong cách diễn đạt, thể hiện ở cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng có lượng thông tin cao; diễn đạt sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể; diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. 4) Phong cách ứng xử, thể hiện ở sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa. 5) Phong cách sống, thể hiện ở sự cần, kiệm, liêm, chính; sống hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây; đồng thời, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Những nội dung căn bản ấy đã hợp thành phong cách độc đáo về tư tưởng, đạo đức của Người, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của nhân dân ta.
Đối chiếu với nội dung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nhất là với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cho thấy không một biểu hiện nào không nằm trong những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Và cũng không một biểu hiện nào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Đảng ta, nhất là đối với những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội.
Ở những thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh không dùng trực tiếp các khái niệm “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhưng Người đã đề cập đến rất nhiều căn bệnh khác nhau. Có thể nói những căn bệnh đó đã được thể hiện trong cảnh báo từ rất sớm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Đường cách mệnh” được viết trong thời kỳ vận động thành lập Đảng từ những năm 1925 - 1927. Hồ Chí Minh đặt ra “Tư cách người cách mệnh”: 1) Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công, vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật; 2) Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người; 3) Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể. Những chỉ dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và, điều đặc biệt là chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nó trong mỗi hành động, mỗi việc làm cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Người trở thành hiện thân của “tư cách người cách mệnh” và là tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo để làm người cách mạng và người dân tốt hơn. Phong cách nói đi đôi với làm trở thành một yêu cầu, một phương châm lớn và Người đã làm điều đó một cách cần mẫn, tinh tế, sáng tạo và trọn vẹn.
Để vận dụng phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, cần thực hiện một số điểm sau:
Một là, không ngừng học tập, để nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phong cách của Người thật sự thấm sâu vào công tác cán bộ, trở thành nền tảng tinh thần để mọi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo vào công tác được giao. Mọi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách của Người, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, bám sát nội dung phong cách Hồ Chí Minh, bám sát những giá trị cốt lõi trong phong cách của Người được thể hiện sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu trong hoạt động hằng ngày để vận dụng vào đời sống, công tác và ứng xử xã hội. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương... Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng loại công việc, từng đối tượng cán bộ cho phù hợp, tránh giáo điều, rập khuôn máy móc.
Ba là, từ nội dung phong cách Hồ Chí Minh, soi rọi vào những việc làm hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên; soi rọi vào những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận diện, vừa để “sửa mình”, “sửa đổi lối làm việc”, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, cần xóa bỏ tư tưởng “thần thánh hóa”; hoặc cho rằng phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách của một “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”, của một "nhà chính trị chuyên nghiệp"; hoặc sự giản dị, thanh bạch của Hồ Chí Minh là “cuộc sống khổ hạnh theo lối tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật” rất khó học tập, làm theo. Cần phải nhận thức rõ hơn những giá trị lớn lao trong phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một nhà khoa học chân chính, luôn thống nhất giữa tính đảng, tính chính trị với tính khoa học trong mỗi lời nói, việc làm và quan hệ công tác.
Bốn là, đưa việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và của cấp ủy, phải trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy kết quả vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong công tác làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm.

TS. BÙI THẾ ĐỨCPhó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Giá trị nghệ thuật quân sự của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ



Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bằng chứng về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. 63 năm qua, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là bài học lịch sử quý giá. Phát huy giá trị nghệ thuật quân sự của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn trong giáo dục, đào tạo đội ngũ sĩ quan quân đội trong nhà trường cũng như bảo vệ Tổ quốc.

Một là, làm rõ ý nghĩa giá trị lịch sử của quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo ở các nhà trường quân đội.

Ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta đã ở vị trí tập kết, sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến ban đầu “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ chiến dịch đã đưa ra quyết định đầy khó khăn nhưng hết sức đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Lúc đầu, qua phân tích của các chuyên gia, ta dự kiến chiến dịch chỉ diễn ra trong vòng 2 đêm 3 ngày, vì cho rằng địch mới vào vị trí chiếm đóng lập tập đoàn cứ điểm, binh lực chưa nhiều, thế đứng chưa vững chắc, trận địa chưa kiên cố, nhất là hướng tây còn nhiều sơ hở. Do vậy, với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, ta định tổ chức hướng tiến công chủ yếu do Đại đoàn 308 từ hướng tây thọc sâu vào Mường Thanh. Đại đoàn 316 từ hướng đông, đánh chiếm khu đồi A án ngữ, còn tập trung vào Mường Thanh, nơi đầu não tập đoàn cứ điểm. Đồng thời, sử dụng Đại đoàn 312 tiến công các cứ điểm từ phía bắc, đông bắc phát triển xuống. Cụm cứ điểm Him Lam, Hồng Cúm, ta chỉ cảnh giới “giám thị”… 

Tuy nhiên, Đại tướng Tổng Tư lệnh vẫn không ngừng trăn trở và như sau này ông thừa nhận là hoàn toàn chưa yên tâm với cách đánh ban đầu, ông suy nghĩ rất nhiều từ tình hình thực tiễn của chiến trường và lời căn dặn của Bác Hồ trước khi ra mặt trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Do vậy, thay đổi phương châm tác chiến lúc này được coi là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hai là, vận dụng sáng tạo việc tổ chức đội hình chiến dịch thành thế bao vây, chia cắt, bố trí áp sát, vây hãm, khống chế, cô lập, dụ địch vào thế khốn quẫn, suy yếu, tạo điều kiện tiến công dứt điểm lần lượt… vào từng cấp học.

Từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, cách đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ là “vây hãm kết hợp với tiến công đột phá dứt điểm lần lượt”. Diễn biến chính của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ từ ngày 13-3 đến 7-5-1954 thành ba đợt:    

Đợt 1: từ 13 đến 17-3, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.


Đợt 2: từ 30-3 đến 30-4, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ vây ép, tiến công từ phía bắc, đông bắc. Đại đoàn 308 hình thành thế vây ép, tiến công từ phía tây vào khu trung tâm. Đại đoàn 316 triển khai vây ép từ phía đông. Với cách sử dụng và bố trí lực lượng đó, chiến dịch hình thành thế vây hãm, khống chế tập đoàn cứ điểm từ 4 phía. Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian vì hi vọng đến mùa mưa ta phải nới vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày, quyết liệt nhất, ta và địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Tại đồi C1, ta và địch giằng co tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Đợt 3: từ 1-5 đến 7-5, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Đêm 6-5, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta tiến công tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. 17h30 ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Có thể thấy, để bảo đảm toàn lực lượng, phương tiện của ta vận động tác chiến trên địa hình trống trải, tạo điều kiện đưa đội hình triển khai áp sát địch, ta đặc biệt chú ý biện pháp tổ chức xây dựng hệ thống công sự trận địa, trong đó giao thông hào kết hợp hào, hầm chiến đấu liên hoàn đã khắc phục tối đa địa hình trống trải, phát huy được hoả lực bắn thẳng của ta và tránh sát thương của hoả lực địch, bảo đảm an toàn, cơ động nhanh, triển khai áp sát đội hình địch bí mật, bất ngờ, hình thành thế vây hãm, siết chặt tập đoàn cứ điểm như những gọng kìm vững chắc, buộc chúng không thể tiến, lui quân. Tiến không thể đánh được ta, thoái không có đường rút.

Ba là, nghiên cứu phát triển lí luận nghệ thuật sử dụng lực lượng tập trung, tạo ưu thế hơn hẳn địch trong từng trận đánh, tiến công bóc vỏ dứt điểm lần lượt từ ngoài vào trong… cho từng đối tượng người học.            
Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Na-va, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17dBB, 3d pháo binh, 1d công binh, 1c xe tăng, 1 phi đội không quân, 1c vận tải cơ giới. Được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Hệ thống hoả lực mặt đất khá mạnh với 2d pháo 105mm, 1c pháo 155mm, 1c Co120mm được bố trí ở Mường Thanh, Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm với gần 100 lần chiếc máy bay lên, xuống mỗi ngày, có thể vận chuyển khoảng 200 - 300 tấn hàng và thả dù từ 100 - 150 tên địch, bảo đảm nguồn tiếp viện cho quân Pháp. Na-va coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ vẫn nhận định Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập và quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng trên 40.000 quân. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Phối hợp tốt với các chiến trường tạo nên sức mạnh tổng lực cho Điện Biên Phủ.

Thực hiện “đánh chắc, tiến chắc”, ta có điều kiện tập trung ưu thế tuyệt đối về binh, hoả lực so với địch, bảo đảm chắc thắng trong từng trận chiến đấu, chủ động về không gian, thời gian tác chiến, quy mô trận đánh và sử dụng lực lượng, phương tiện.

Trong đợt 1, lúc đầu ta xác định diệt cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo cùng một lúc, nhưng trinh sát lần sau cùng cho thấy, hoả lực của địch ở đây khá dày đặc trong khi pháo bắn ngắm trực tiếp không đủ mạnh, nên quyết định tập trung hoả lực pháo bắn ngắm trực tiếp để đánh vào trung tâm đề kháng Him Lam trước, rồi nhanh chóng cơ động, pháo chuyển làn sang để đánh đồi Độc Lập, Bản Kéo khi địch ở đây bị tiêu diệt, bắt sống, hoang mang đến cực độ. Có thể thấy, lực lượng, phương tiện tập trung của ta áp đảo địch về tỉ lệ bộ binh và pháo binh bắn thẳng là: địch 1 ta 6, bắn gián tiếp ta 2,6 địch 1…

Trong đợt 2, để bảo đảm chắc thắng, ta đã sử dụng tập trung 2 đại đoàn 316 và 312, sử dụng phần lớn pháo bắn thẳng và bắn gián tiếp vào các cứ điểm đồi E, Đ1, C1, A1 tiếp sau phát triển đánh Đ2, C2, mở cửa đưa lực lượng phát triển tiến công vào khu đầu não địch ở Mường Thanh. Ta áp đảo địch về hoả lực với tỉ lệ từ 2,2 đến 2,8 lần pháo bắn thẳng và từ 4 đến 7 lần pháo bắn gián tiếp. Để tạo ưu thế tương quan so sánh lực lượng, ta dùng nhiều biện pháp vây ép, cô lập, tiêu hao sinh lực địch từ vùng ngoại vi, khống chế đường tiếp tế cầu hàng không của địch…

Với quyết định chiến lược, bố trí đội hình, sử dụng lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đề cập. Những vấn đề nêu trên đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển, vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, chiến đấu, tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn kết, lời căn dặn thiết tha của Bác 6:18' 11/3/2018 Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hộ...