Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, giá trị hợp thành nền văn hóa Việt Nam. Mặc dù thể hiện cái riêng, nhưng phong cách tư duy của Người không xa lạ mà mang tính lan tỏa, tác động tích cực tới hành động của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung.
Được hình thành từ con người có đức dày, tâm trong, trí sáng, tầm cao trí tuệ, nhân cách, ý chí lớn lao, hoạt động phong phú, đa dạng trên không gian, thời gian rộng lớn, với nhiều lĩnh vực, vị trí công việc khác nhau, nhưng phong cách tư duy Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc sắc của sự độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Độc lập, tự chủ, có nghĩa là Hồ Chí Minh không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào một luồng ý kiến nào, không bắt chước, “theo đuôi” ai, kể cả “theo đuôi quần chúng”. Trên cơ sở tiếp thu nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của Việt Nam và thế giới, trong từng thời kỳ, Người đúc kết, tổng hòa thành cái riêng mà không sao chép, giáo điều, máy móc. Đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin - lý luận chính trị nền tảng rất quan trọng hình thành nên tư tưởng của mình - thì Hồ Chí Minh coi là “mặt trời soi sáng”, “trí khôn”, “cái cẩm nang thần kỳ” có tính chất phương pháp luận chỉ dẫn hành động của con người, là “bàn chỉ nam” cho con tàu đi. Đồng thời, coi việc học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí đối với việc, với người và với mình. Vì vậy, Người tiếp nhận điều bản chất nhất, mục tiêu cuối cùng của lý luận Mác – Lê-nin là đấu tranh giải phóng con người, là chủ nghĩa nhân đạo mác xít, và cho rằng: “hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được”1. Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin bằng toàn bộ cái tâm trong sáng, sự khát vọng giải phóng: dân tộc, xã hội - giai cấp và con người, thông qua hoạt động trong phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, chứ không theo kiểu kinh viện, tầm chương trích cú. Chúng ta thấy rất hiếm khi viết, Người trích dẫn nguyên văn những quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin cũng như của những nhà tư tưởng khác. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Người viết và sau đó đọc vào ngày 02-9-1945, khi dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Người không trích nguyên văn, chỉ lấy ý và biến nghĩa một số chữ cho phù hợp với tư duy của mình và tình hình thực tại2.
Hồ Chí Minh là người tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ở trong nước và thế giới, kết hợp nhân tố chủ quan rồi tạo thành tư tưởng của mình, nhưng tư tưởng của Người không phải là con số cộng của nhiều luồng tư tưởng, học thuyết, mà là sự kết tinh luồng ánh sáng trí tuệ của dân tộc và nhân loại. Được như thế là bởi Hồ Chí Minh có tư duy độc lập, tự chủ, biết kế thừa có chọn lọc những tư tưởng, nguyên lý của các nhà lý luận, nhà tư tưởng của dân tộc Việt Nam và thế giới. Nhiều người nước ngoài cảm nhận, trong phong cách Hồ Chí Minh có dáng dấp của V.I. Lê-nin, Găng-đi, của Oa-sinh-tơn,… thậm chí còn thấy có một số nét của chính mình. Phong cách Hồ Chí Minh là riêng biệt, đặc sắc, điều mà không ít người khát khao muốn học tập. Nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-sơ-tam, vào cuối năm 1923, sau khi gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc, đã viết một bài đăng báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ), có đoạn: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai,… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”3. Hồ Chí Minh có tư duy độc lập, tự chủ từ sớm và được rèn giũa qua bao nhiêu năm tháng hoạt động cách mạng. Năm 1923, Người kể lại với một người bạn nước ngoài: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái,… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”4. Vì có tư duy độc lập, tự chủ, nên Người chọn con đường sang Pháp, các nước châu Âu, châu Mỹ và đi hầu khắp các châu lục khác để nghiên cứu, khảo sát, tìm mục tiêu, con đường cứu nước mới, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và xu thế của thời đại. Từ người tìm đường, Hồ Chí Minh trở thành người mở đường, người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam phát triển.
Hồ Chí Minh có phong cách tư duy sáng tạo. Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo là tư duy của Người trong cuộc sống. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã khẳng định: cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Người cho rằng: “Lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận. Nhưng phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”5. Một số người cho rằng sự sáng tạo trong tư duy Hồ Chí Minh là sự “vượt gộp”, tức là gộp tất cả những gì là tốt đẹp, tinh túy đã có để vượtlên phía trước, nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. “Vượt gộp” không phải là việc dễ dàng trong tư duy, phải biết gộp những gì và làm thế nào để gộp đã khó, nhưng biết vượt thì lại càng khó hơn. Con đường phát triển tư tưởng, tri thức của cá nhân hay một dân tộc và toàn nhân loại luôn là sự “vượt gộp” như vậy. Điều này, nhiều nhà tư tưởng nêu lên từ lâu: thế hệ sau phải biết đứng lên vai những người khổng lồ đi trước thì xã hội mới phát triển được6.
Là một thành viên của tổ chức chính trị, Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm chấp hành những quyết định của tổ chức. Nhưng với Người, chấp hành không có nghĩa là máy móc, mà là vận dụng những quyết định, nghị quyết của tổ chức cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Thực tiễn cho thấy, Quốc tế Cộng sản đã có những quyết định đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thế giới và phong trào giải phóng dân tộc do đảng cộng sản lãnh đạo ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Nhưng, Quốc tế Cộng sản có lúc không tránh khỏi những hạn chế trong nhận định, đưa ra chủ trương chưa hẳn phù hợp đối với cách mạng ở các nước thuộc địa. Vì thế, Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam để vận dụng nghị quyết, quyết định của Quốc tế Cộng sản cho sát hợp, mặc dù có lúc bị hiểu sai. Quá trình xây dựng xã hội mới, trên cơ sở nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Người đã có quan điểm thực tiễn để vận dụng cho phù hợp với một nước nông nghiệp sản xuất nhỏ, tiểu nông lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề và trong điều kiện vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh biểu hiện rõ ở chỗ, khi cho rằng, Việt Nam “không thể giống Liên Xô” và “có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Đó là con đường tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, không phải tiến hành ngay cuộc cách mạng vô sản và đi ngay vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như ở nhiều nước khác.
Như vậy, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo được thể hiện rõ ở việc Hồ Chí Minh rất chú ý xuất phát từ thực tế Việt Nam. Yêu cầu phát triển của Việt Nam là: dân tộc độc lập, đất nước giàu mạnh, mọi người được tự do, dân chủ, hạnh phúc. Điều này được Hồ Chí Minh thể hiện ngay trong tiêu đề văn bản hành chính của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” và trong nhiều lần phát biểu khác. Đặc biệt, trong Di chúc, Người nêu: “điều mong muốn cuối cùng” là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”7. Hoàn cảnh thực tế Việt Nam trong từng giai đoạn, mỗi thời kỳ là một tiêu điểm làm cơ sở cho mọi suy nghĩ của Hồ Chí Minh. Những điều diễn ra trong thực tế luôn hiển hiện trước mắt mọi người, nhưng không phải ai cũng nhận thức được như nhau. Nhận thức chính xác tình hình thực tế phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn, bản lĩnh của con người. Với tầm cao trí tuệ, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ, chính xác tình hình thực tế Việt Nam, đưa ra quan điểm sát hợp. Trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh đã làm nên phong cách tư duy độc đáo, đúng đắn, sáng tạo Hồ Chí Minh. Người là điển hình trong phong trào cộng sản quốc tế đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến những thành công của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đóng góp phát triển và làm phong phú lý luận Mác – Lê-nin theo đúng yêu cầu của “học thuyết mở” luôn cần được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống của mỗi dân tộc khi áp dụng. Cũng do thế, nên có lúc Hồ Chí Minh có một số quan điểm khác với quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa - phong kiến của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928), nhưng lại hoàn toàn đúng với Việt Nam - một nước thuộc địa - phong kiến - khi mọi giai cấp, tầng lớp trong cộng đồng người Việt Nam yêu nước đều có một “mẫu số chung”, một “véc-tơ lực”: giải phóng dân tộc. Trên thực tế, Hồ Chí Minh luôn chú ý hướng Đảng ta đưa ra đường lối, chủ trương sát hợp với từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng và khi thấy nó chưa sát hợp với thực tế thì cùng Trung ương Đảng sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện. Thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ hai điều: 1. Quan điểm của Hồ Chí Minh là đúng về mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam; 2. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình cụ thể Việt Nam của Đảng; tư duy giáo điều, tả khuynh, hữu khuynh, chủ quan, duy ý chí tất yếu dẫn đến thất bại.
Hồ Chí Minh là một điển hình của tư duy lấy điều kiện thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát cho mọi quan điểm, đường lối, chi phối hành động của Đảng. Không chỉ vậy, Người chủ động tiếp thu các luồng tư tưởng tiến bộ trên thế giới; phân tích chính xác tình hình thế giới để hành động phù hợp. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh có ưu thế so với nhiều nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam cùng thời là sống và hoạt động ở nước ngoài 30 năm (1911-1941). Thời gian này, Người nghiên cứu, học tập, hoạt động yêu nước và cách mạng, nên đã trực tiếp kiểm nghiệm nhiều quan điểm. Người đã trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, sóng gió trong nhiều môi trường sống khác nhau. Sự tự nguyện dấn thân vào cuộc sống lao động, thậm chí làm những công việc rất nặng nhọc và do vậy, bằng cảm nhận trực tiếp mà Người đã thấu hiểu tình cảnh và khả năng cách mạng của các giai cấp, tầng lớp lao động. Hồ Chí Minh hoạt động trong tổ chức cộng sản ở Pháp và ở Quốc tế Cộng sản, nơi mà Người tiếp thu dần dần lý luận cách mạng Mác – Lê-nin và rèn luyện tư duy biện chứng duy vật; hoạt động trong một môi trường rộng rãi, đi đến khoảng trên 30 lượt nước trên thế giới, đã hai lần bị đế quốc, thực dân giam cầm, tù đày, thậm chí chỉ vì luôn nhiệt thành với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, có lúc bị những người cùng chí hướng hiểu sai. Hồ Chí Minh có 19 năm làm Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam và 24 năm làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là con người lăn lộn với thực tiễn và quảng giao quốc tế, từ thuở hàn vi cho đến cả khi làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng, Người không ngừng học tập, rèn luyện, tiếp nhận những tri thức mới trên cái nền bản thể của mình, không bị hòa tan, bắt chước, mà tiếp thu một cách chọn lọc, có phê phán, không phủ định giản đơn. Trên cơ sở đó, để thu nhận, tiếp biến tư tưởng của mình. Người cho rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”8. Hồ Chí Minh đem bốn vị rất khác nhau về lập trường, quan điểm và lại càng khác nhau về thời đại ghép vào với nhau, giả định “cho” các vị ấy “họp lại một chỗ” được là vì Người nhìn thấy ở họ một điểm chung là đều “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Hồ Chí Minh cũng nằm trong điểm chung ấy và cố gắng làm người học trò nhỏ của họ. Sự đặc sắc tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh là kết quả từ phẩm chất, năng lực với hai điểm chủ yếu: bản lĩnh cao cường và trí tuệ mẫn tiệp. Kết quả đó là do một quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cả cuộc đời, ở mọi lúc, mọi nơi của Người. Vì thế, Người luôn tự làm chủ cuộc sống và chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, nên vững vàng trong xử lý mối quan hệ đối với người chung quanh, công việc và làm chủ bản thân.
Thế giới hiện nay là thế giới của tri thức sáng tạo, trong đó phong cách tư duy Hồ Chí Minh là điểm nhấn đáng chú ý. Học tập phong cách tư duy Hồ Chí Minh là học tập tinh thần sáng tạo để hành động cho phù hợp với mục tiêu cách mạng đã đề ra. Sáng tạo là trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh rồi đưa vào thực tiễn phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Hồ Chí Minh là người vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thế kỷ XX - thế kỷ bi hùng của các cuộc đấu tranh kiên cường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lớp lớp thế hệ người Việt Nam trong thế kỷ XXI, nhất là những cán bộ, đảng viên càng cần sự kiên định mục tiêu và sáng tạo theo phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu trong một thế giới toàn cầu hóa.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
______________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét