Ai cũng sẽ phải chết và không biết chết lúc nào, vì thế mỗi người nên sống sao có lương tâm cao đẹp và thật ý nghĩa, để không lãng phí đời sống mới là việc cần làm hơn là ngồi chờ cái chết đến, đánh mất thời gian, công sức vì những việc vô ích không đâu. Một câu hỏi đặt ra, có nên đầu tư tất cả tâm trí vào những tính toán hơn thiệt, tranh chấp hơn thua; có nên nuôi dưỡng trong lòng nhữn mưu đồ, tham vọng bất chính; có nên ôm giữ những thù hận, oán hờn…? Thật không nên, bởi như thế là lãng phí đời sống, quên bỏ hạnh phúc trong hiện tại, làm như thế là đem phiền não khổ đau, lo lắng muộn phiền, đố kỵ, oán ghét, hận thù….cho nhau, sẽ làm cho cuộc đời chúng ta mất an vui và hạnh phúc. Khi cái chết gần kề, con người ta mới thấy rằng bao nhiêu ân oán tình thù-những điều mà từ lâu ta luôn canh cánh trong lòng đều như sương khói, vì thế có một câu nói rất hay rằng: “ Đời người như một cuốn sách, điều quan trọng không phải là cuốn sách dài hay ngắn mà ở chỗ cuốn sách đó hay hay dở”; và cũng có câu rằng: “Con người ta chỉ chết hẳn khi đã chết trong lòng người sống” , điều cốt lõi làm cho mỗi người sống mãi trong lòng mọi người không phải là cái tên khai sinh mà chính là nhân cách, lương tâm cao đẹp mà họ đã có. Chính vì vậy , trong cuộc sống xét về mặt nhân sinh quan thì “Điều đáng sợ nhất không phải là cái chết về thể xác mà là cái chết về lương tâm khi thể xác còn sống”.
Vậy lương tâm là gì? Theo ngôn ngữ thông thường thì “lương tâm” có nghĩa là một “tấm lòng tốt lành” hay một “cõi lòng chính trực” hiện diện bên trong một con người để giúp người đó phân biệt điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác.
Theo từ điển tiếng việt thì “lương tâm” là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người có khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta để ý thì hầu như không ngày nào trôi qua mà mỗi chúng ta không nghe tiếng nói của lương tâm, lương tâm lên tiếng nhắc nhở chúng ta về những lời nói, một suy nghĩ thầm kín hay về một hành vi nào đó. Lương tâm cắn dứt chúng ta về một lời nói thiếu thành thật,lương tâm đặt câu hỏi với chúng ta về thái độ tự cao trong một lời nói tự tô bóng thành tích của mình trước mặt người khác; lương tâm phản đối khi chúng ta làm tổn thương một người nào đó; lương tâm theo sát chúng ta trong những hành vi bí mật nhất để cáo trách và lên án khi những hành vi đó là trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, đi ngược với luân thường đạo lý…gây hậu quả tai hại cho chính bản thân hay những người chung quanh mình.
Lương tâm cũng làm chùn bước những thú vui không đoan chính, làm cản trở những toan tính tội ác, lương tâm có lúc làm chúng ta mất ngủ, đeo đuổi dai dẳng cắn dứt trong lòng mỗi người cho dù hành vi hay lời nói đã thuộc về quá khứ từ lâu. Trong đời sống chúng ta thấy rằng một người không thể sống bình an được khi chưa giải quyết “ổn thỏa” với những đòi hỏi của lương tâm, Châm ngôn Trung Quốc cho rằng: “Nếu có lương tâm trong sáng cả đời bạn sẽ không phải sợ tiếng gõ cửa lúc nửa đêm”; còn Trình Di lại đúc kết rằng: “ Lấy lòng chân thật cảm động người ta, thì người ta cũng lấy chân thật mà đãi lại; lấy cách trí thuật cài đạp người ta, thì người ta cũng lấy trí thuật mà xử lại”, nếu cứ luẩn quẩn mã như thế cuộc đời liệu có yên ổn và an nhàn không?
Mặt khác, theo quan điểm triết học mác xít bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội; trong đó chúng ta thấy rằng mối quan hệ người- người là cơ bản và cốt lõi, quan hệ đó lại dựa trên những chuẩn mực đạo đức xã hội là chính, yếu tố tình cảm, tình yêu thương con người, lối sống vì nhau lại được chú ý rõ nét. Điều đó chính là biểu hiện cơ bản của con người sống có nghĩa, có tình; có trước , có sau; sống vì nhau… hay nói cách khác là con người sống có lương tâm cao đẹp. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam , dân tộc Việt Nam .
Do vậy sống có lương tâm cao đẹp trước hết là nhu cầu của mọi người, không một ai lại không muốn mình thực sự sống có ý nghĩa, thực sự đẹp trong mắt mọi người cũng như của chính mình; hạnh phúc với chính mình nghĩa là được người khác thừa nhận và hạnh phúc hơn nữa khi chính mình cũng thấy thoải mái và vừa lòng với chính mình, hạnh phúc toàn vẹn và tuyệt vời nhất khi con người sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống có lương tâm một cách đúng nghĩa, điều đó không chỉ tựu chung ở nét đẹp bên ngoài mà còn phải đẹp ở hành vi, thái độ và quan điểm sống…Sống có lương tâm còn thôi thúc con người biết nghĩ cho người khác, biết sống vì người khác…chứ không quá cá nhân, ích kỷ… Nghĩ cho người khác để bất cứ hành vi và thái độ nào của mình cũng đừng làm cho người khác đau, không làm cho người khác khó chịu…; sống có lương tâm là chúng ta biết sống dung hòa mọi mặt; môi trường sống và làm việc, quan hệ xã hội, gia đình…một hành động giúp đỡ người già cả, tàn tật, người gặp khó khăn hoạn nạn; tham gia một phong trào cứu trợ đồng bào thiên tai, phong trào đền ơn đáp nghĩa, những lớp học tình thương đem ánh sáng văn hóa đến với trẻ em nghèo….tất cả những việc làm ấy là kết quả của một cách sống coi trọng nhân nghĩa, biểu hiện một lương tâm cao đẹp.
Chúng ta cũng đều biết rằng; không một cá nhân nào sống ngoài tập thể và ngoài một xã hội nhất định; trong sự diễn tiến hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân bao giờ cũng gắn liền và mang đậm dấu ấn của môi trường xã hội mà cá nhân đó là thành viên. Chính vì vậy con người sống, làm việc luôn đặt mình trong mối quan hệ phong phú và đa dạng, và chính điều đó làm cho mỗi người ngày càng hoàn thiện nhân cách của mình phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Và tất yếu nếu cá nhân nào tách khỏi xã hội, tách khỏi tập thể, sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, độc ác làm tổn hại đến người khác và xã hội… thì sẽ không còn tồn tại trong lòng mọi người như một con người theo đúng nghĩa của nó; hay nói cách khác là họ sẽ mãi mãi chết trong lòng mọi người đang sống.
Do vậy, trong cuộc sống mà chúng ta đã và đang trải nghiệm mỗi người đều cảm nhận rằng: “Điều đáng sợ nhất không phải là cái chết về thể xác mà là cái chết về lương tâm khi thể xác còn sống”.
Như vậy có thể nói rằng, xã hội dù phát triển đến mức nào đi nữa thì những giá trị truyền thống, cội nguồn văn hóa của dân tộc; những chuẩn mực đạo đức, lối sống thủy chung, có nghĩa có tình, sống vì nhau, sống có lương tâm cao đẹp.. vẫn cần được bảo tồn và trân trọng.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó có người viết rằng:
Khi anh sinh ra
Mọi người đều cười
Riêng anh lại khóc
Hãy sống sao để khi anh chết
Mọi người đều khóc
Còn môi anh thì nở nụ cười !
nghe qua tưởng rằng chỉ là vài câu vui nhộn nhưng nó lại mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc! bạn hãy ngẫm thử xem!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét