Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Hội chứng né tránh trách nhiệm
15:41' 6/5/2017
(Ảnh minh họa)
Cái gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, từ việc bị "cát tặc" đe dọa, đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, việc xây dựng bệnh viện… Cái gì cũng chờ ý kiến thường vụ, từ việc thanh tra quy trình bổ nhiệm, đến việc xử lý lấn chiếm đất công, việc bảo đảm trật tự vỉa hè… Xin ý kiến những việc không đáng xin, chờ ý kiến những việc không đáng chờ là những biểu hiện rất dễ nhận biết của hội chứng né tránh trách nhiệm. Né tránh trách nhiệm không chỉ xảy ra ở những người có chức, có quyền, mà cả nhiều cán bộ, công chức bình thường khác. Cái gì họ cũng xin ý kiến, cái gì họ cũng chờ chỉ đạo. Có vẻ như rất nhiều người chỉ làm mỗi việc là: “tham mưu cho cấp ủy và chính quyền”. Ai cũng chỉ là tham mưu, chẳng ai đủ quyết đáp để xử lý bất cứ một vấn đề gì.


Hội chứng né tránh trách nhiệm dường như đang làm cho nền quản trị quốc gia của chúng ta ngày càng tỏ ra kém hiệu năng, chi phí cơ hội cho công ăn, việc làm, cho kinh doanh và sáng tạo ngày càng tăng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc gì người dân và doanh nghiệp cũng phải chờ đợi.
Hiện tượng né tránh trách nhiệm có vẻ còn nghiêm trọng hơn, khi sai phạm đã xảy ra và để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho dân, cho nước. Ở nhiều nước trên thế giới, khi cầu sập, phà chìm, máy bay rơi…, bộ trưởng giao thông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm. Kể cả khi họ chẳng hề có lỗi gì trực tiếp trong những sự cố như vậy. Ở ta, biển bị ô nhiễm, đập bị vỡ, bùn bị tràn… chẳng thấy một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Kể không hết những việc “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”. Việc nâng đỡ, đề bạt một “hot girl” bất chấp mọi chuẩn mực pháp lý và đạo lý, việc cựu lái xe cho thủ trưởng “có” nhiều nhà đất hơn cả thủ trưởng, việc cả họ làm quan ở một địa phương… là những việc mà toàn dân, toàn Đảng ai cũng hiểu, nhưng những người phải chịu trách nhiệm chính thì lại không hiểu. Quả bóng trách nhiệm vì vậy bị đá câu giờ vòng vo. Điều này không chỉ gây mất lòng tin, mà còn cả sự coi khinh của công chúng.
Thông thường, ngoài cách “đá bóng” lên cho cấp trên, trong thực tế vẫn còn có mấy cách khác nữa để né tránh trách nhiệm.
Cách thứ nhất là che chắn bằng quy trình. Đề bạt người nhà, người thân cùng làm lãnh đạo trong khi đức, tài chưa đủ là sai. Việc này từ cả 500 năm trước cha ông chúng ta đã cho là sai. Luật hồi tỵ thời vua Lê Thánh Tông đã cấm cha con, anh em, bạn học… không được làm quan một nơi (Luật này thậm chí còn cấm các quan chức không được lấy vợ, tậu ruộng vườn, nhà cửa ở nơi mình chấp pháp). Đáng buồn là một cái sai rõ ràng như vậy nhưng lại đúng quy trình. Thực ra, khi một người đã làm lãnh đạo cao nhất cơ quan hoặc địa phương, việc thao túng quy trình là khá dễ dàng. Nếu không có liêm chính, họ chỉ cần nói xa nói gần với cán bộ tổ chức là quy trình sẽ được khởi động đúng hướng ngay. Đó là chưa kể khả năng của một lãnh đạo gửi gắm “các anh, các chú” là gần như vô cùng, vô tận. Mà thật ra, nhiều khi cũng chẳng cần gửi gắm. Không nói ra thì ai cũng hiểu “nếu anh ấy hay chị ấy không đồng ý, thì tổ chức đâu dám làm như vậy”. Chính vì vậy, khi để xảy ra việc đề bạt người thân, người nhà, quy trình thường ít có ý nghĩa.
Cách thứ hai là đổ lỗi cho tập thể. Việc chuyển đất rừng để nuôi bò lấy thịt, việc tuyển dụng, đề bạt thần tốc một doanh nhân, việc quy hoạch treo hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đất… tất cả đều do thường vụ quyết. Thường vụ quyết thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm và không thể chịu trách nhiệm. Có lẽ, đây cũng là lý do giải thích tại sao ở không ít địa phương mọi việc từ to đến nhỏ đều được trình cho thường vụ. Thường vụ đã quyết là em tuyệt đối yên tâm. Vấn đề chưa hẳn là vì thường vụ đã quyết thì không sai, mà chủ yếu là vì thường vụ đã quyết thì em sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng né tránh trách nhiệm xảy ra khá phổ biến hiện nay?
Nguyên nhân đầu tiên đã được Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) chỉ ra là suy thoái đạo đức. Không dám chịu trách nhiệm về công việc của mình; không quyết đáp vì làm thì vất vả, mà lợi ích thì chưa thấy đâu; chỉ nói chứ không làm vì ngại đụng chạm… là những biểu hiện dễ nhận biết của suy thoái đạo đức. Khi một người cán bộ không dám nhận trách nhiệm, thì người đó chỉ sống vì mình và cho mình là chính.
Ngoài ra, việc phân công, phân nhiệm trong hệ thống của chúng ta cũng chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Chúng ta vẫn chưa có được sự phân định rạch ròi về chế độ trách nhiệm giữa những người làm chính khách với những người làm công chức; giữa tập thể với cá nhân; giữa những người làm trong bộ máy cơ quan đảng, đoàn thể với những người làm trong bộ máy nhà nước. Quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm theo cách kỷ luật đảng phải được xử lý trước, rồi mới xử lý kỷ luật về phía chính quyền cũng làm cho mọi việc có thể trở nên chậm trễ, khó khăn. Đó là chưa nói tới rủi ro của việc công đoạn trước hoàn toàn có thể vô hiệu hóa công đoạn sau của quy trình áp đặt chế độ trách nhiệm.
Cuối cùng, hội chứng né tránh trách nhiệm là một vấn đề rất lớn. Để xử lý vấn đề này, bên cạnh việc nâng cao đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiến hành cải cách thể chế sâu rộng để xây dựng một hệ thống chế độ trách nhiệm rõ ràng, mạch lạc cùng các công cụ áp đặt chế độ trách nhiệm hiệu quả là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
Cải cách đầu tiên cần tiến hành là xây dựng và ban hành bản mô tả vị trí công việc của tất cả các cán bộ, công chức. Không thể có chuyện tuyển dụng vào mà không biết sẽ làm gì cụ thể, cũng không thể có chuyện tuyển dụng vào rồi làm việc gì cũng được. Với bản mô tả công việc rõ ràng cho mỗi chức danh, mỗi vị trí công việc, thì người nào đảm nhận chức danh, công việc nào sẽ phải làm hết tất cả các chức trách được giao.
Cải cách thứ hai là giảm bớt cấp phó. Nhiều nơi cấp phó còn đông hơn cả nhân viên thì sự chỉ đạo chồng chéo không chỉ gây khó cho cấp dưới mà còn vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm.
Cải cách thứ ba là tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ. Đặc biệt, bổ sung chế định thanh tra công vụ là rất quan trọng.
Đối với chế độ trách nhiệm ở tầm chính trị, điều quan trọng là phải vận hành quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và hội đồng nhân dân hiệu quả hơn nữa. Trước hết, để làm được điều này, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm theo hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, mà không phải theo ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay. Đồng thời, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần được triển khai khi có sự việc gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra...
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Vẫn nóng bỏng tính thời sự tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
7:15' 26/10/2017
Tháng 10-1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc. Mục đích của tác phẩm là: Nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng và tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ, năng lực lãnh đạo đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Những nội dung của tác phẩm là những căn dặn thiết thực của Người đối với mỗi đảng viên, cán bộ ngày nay.


Về công tác cán bộ
Hồ Chí Minh khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Theo Người: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xongNgay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Hồ Chí Minh đã mời những nhân sĩ, học giả, trí thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng. Đồng thời với đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, Hồ Chí Minh kêu gọi các ngành, các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài kiến quốc. Người nhắc nhở: Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài.
Đối với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nêu ra 5 tiêu chí ngắn gọn, súc tích, tiêu biểu của người cán bộ đảng viên gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Phẩm chất đạo đức trên đã thể hiện khái quát các mối quan hệ xã hội của người cán bộ, đảng viên với Tổ quốc, với nhân dân, với đoàn thể và cá nhân.
Việc chọn người và thay người cũng là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta phải có kế hoạch, chính sách đối với cán bộ già, cán bộ trẻ. Già làm được việc gì thì giao việc ấy, không thì đối đãi thỏa đáng, cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt.
Về phương pháp làm việc và kiểm soát của người cán bộ lãnh đạo
Theo Hồ Chí Minh, cần áp dụng những phương pháp sau:
Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào, người lãnh đạo không được quan liêu mà phải căn cứ vào thực tế, nắm chắc hoàn cảnh để xem xét quyết định của mình có hợp lý không. Tiếp theo đó cần phải áp dụng hiểu biết của mình một cách năng động. Sau khi nắm rõ tình hình cần tổ chức bàn bạc một cách kịp thời và dân chủ trong tập thể lãnh đạo. Khi tập thể lãnh đạo đã hoàn toàn thống nhất ý kiến, người lãnh đạo chủ yếu cần phải có lòng tin và quyết đoán đưa ra quyết định cuối cùng.
Phải tổ chức thi hành cho đúng. Công việc khó đạt kết quả tốt nếu chỉ có một người lãnh đạo quyết định. Muốn việc tiến triển tốt và hiệu quả, người lãnh đạo cần tổ chức được lực lượng, đóng vai trò hạt nhân đoàn kết tạo nên sức mạnh thành công.
Phải tổ chức kiểm soát. Người căn dặn: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát, vì vậy người lãnh đạo phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
Về nâng cao hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Bác chỉ rõ: Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ, lý luận cốt áp vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Người cán bộ phải ra sức học tập lý luận, đồng thời luôn luôn biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác. Phê bình và tổng kết kinh nghiệm là quy luật phát triển của cách mạng.
Về phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng
Người căn dặn: Trước hết là nói, viết sao cho có hiệu quả để ai cũng dễ nghe, dễ hiểu. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng của các cấp.
Theo Hồ Chí Minh, sửa đổi lối làm việc sẽ giúp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn của đảng cầm quyền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
70 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn nóng hổi tính thời sự. Chúng ta đang tích cực thực hiện 2 nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII với nhiều nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên. Những nội dung trong tác phẩm của Bác là căn cứ để Đảng ta có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, xây dựng Đảng vững mạnh, tiếp tục đưa nước ta ngày một phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Kế thừa những giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới
7:5' 31/10/2017
Lãnh tụ V.I.Lenin thuyết trình trước đông đảo nhân dân thành phố Pê-tơ-rô-gơ-rat..



Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước, như: Ba Lan, Bun-ga-ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, An-ba-ni, Mông Cổ, Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam đã tạo nên những tiền đề thực tế cho sự ra đời của một hệ thống xã hội mà trước đó chưa từng tồn tại trong lịch sử và chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời – hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã đóng vai trò chi phối với nhiều quá trình quan trọng của thế giới hiện đại.
1. Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam đều bị thất bại vì không có đường lối cứu nước đúng đắn. Giữa lúc đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, sau gần 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. 

Tháng 7-1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I.Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến nhận thức rõ ràng về con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam. Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và nền tảng tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.
2. Cách mạng Tháng Mười Nga khởi đầu sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và toàn diện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Cũng từ đó, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Liên Xô nảy nở, không ngừng được củng cố và phát triển.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, đó là một nhân tố quốc tế không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô, nhất là trong lĩnh vực củng cố quốc phòng - an ninh.

Những bài học kinh nghiệm chủ yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản; về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; về thiết lập và củng cố khối liên minh công nông; về phương pháp bạo lực cách mạng; về xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản… đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

3. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. Chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

4. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam 87 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân ta kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Trước mắt cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả ba nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Phát triển kinh tế tư nhân.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Dân vận tốt để giữ gìn và bảo vệ biên cương
Đồn Hoa Lư có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đường biên giới hơn 18,4km, gồm 8 cột mốc chính và 28 cột mốc phụ thuộc 2 xã Lộc Hòa và Lộc Thạnh (Lộc Ninh). Đơn vị đứng chân trên địa bàn Lộc Hòa - xã có 1.438 hộ với 5.900 người, trong đó 43% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc S’tiêng. Trình độ dân trí ở đây không đồng đều, đời sống đa số người dân còn khó khăn, phụ thuộc vào nông nghiệp và làm thuê. Lộc Hòa có 3 ấp (7, 8b và Suối Thôn) giáp biên, trong đó 100% hộ dân ấp Suối Thôn là đồng bào DTTS. Đồng bào ở đây có mối quan hệ thân tộc với nhân dân biên giới đối diện. Đường biên giới của đơn vị quản lý là đường biên giới bộ, thuận tiện cho việc đi lại giữa hai bên. Từ những yếu tố đó, Đồn Hoa Lư luôn chú trọng thực hiện tốt dân vận, làm cơ sở để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Thời gian qua, Đồn Hoa Lư đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời trực tiếp tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, bám dân, bám địa bàn; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào DTTS), cán bộ, chiến sĩ Đồn Hoa Lư cũng đặc biệt chú trọng nâng cao tuyên truyền vận động nhân dân. Đơn vị đã phối hợp cấp ủy, chính quyền cơ sở thành lập Câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống tội phạm  ấp 7 và Câu lạc bộ phụ nữ DTTS tham gia bảo vệ biên giới ấp 8b. Thông qua các buổi sinh hoạt lồng ghép tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 34 của Chính phủ, các hiệp ước, hoạch định trên khu vực biên giới và hướng dẫn phụ nữ ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, đồn đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 18 buổi với gần 700 lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ đến 652 gia đình; tuyên truyền trên các cụm loa 74 giờ. Từ đầu năm đến nay, nhân dân đã cung cấp cho đơn vị 64 tin, trong đó 48 tin có giá trị. Theo số liệu thống kê của bộ phận nghiệp vụ Đồn Hoa Lư, 9 tháng qua, đơn vị đã phối hợp bắt và xử lý 50 vụ - 65 đối tượng vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới; tịch thu gần 10 ngàn gói thuốc lá ngoại, 85.500kg đường cát trắng, gần 4.000m3 gỗ trắc và nhiều tang vật vi phạm khác.
Thời gian qua, bên cạnh thực hiện tốt phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã phối hợp các cấp, ngành, chính quyền cơ sở thực hiện tốt các chế độ chính sách, an sinh xã hội, tham gia giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Ngoài tổ chức lao động giúp dân phát quang, dọn dẹp đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà ở, khắc phục hậu quả thiên tai, đơn vị còn trích kinh phí nhận đỡ đầu 3 học sinh nghèo hiếu học trong chương trình “Nâng bước cho em tới trường” 500 ngàn đồng/em/tháng; nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời với mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng. Từ chương trình “Hũ gạo tình thương”, mỗi tháng đơn vị tặng 40-50kg gạo cho 2 hộ nghèo trên địa bàn xã. Đồng thời tặng cây - con giống, phân bón và hỗ trợ khoa học - kỹ thuật; xây tặng nhà đại đoàn kết, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn.
Đến thăm hộ anh Điểu Thêu ở ấp 8C, xã Lộc Hòa, chúng tôi vui mừng trước sự thay đổi của gia đình. Năm 2012, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Hoa Lư giúp gia đình anh trồng cây cao su. Năm đó, gia đình anh còn là hộ nghèo, trong nhà không có tài sản giá trị. Đến nay, 400 cây cao su được Đồn Hoa Lư hỗ trợ bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình anh hiện đã thoát nghèo. Điều đặc biệt hơn trong sự thay đổi, đó là từ chỗ rụt rè, ngại tiếp xúc giờ anh đã được người dân trong ấp tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp. “Không có bộ đội biên phòng giúp đỡ cây giống, phân bón, ngày công, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất có lẽ gia đình tôi không có ngày hôm nay. Giờ thì kinh tế ổn rồi. Không chỉ đủ ăn mà gia đình còn nuôi con ăn học đàng hoàng” - anh Điểu Thêu vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa cho biết: Những năm qua, Đồn Hoa Lư đã sát cánh, san sẻ khó khăn, vất vả với người dân địa bàn. Với sự đồng hành đó và chung tay của chính quyền cơ sở, đời sống nhân dân, đồng bào DTTS xã biên giới Lộc Hòa đã từng bước cải thiện rõ rệt.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thấm đẫm tính nhân văn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Hoa Lư đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của khu vực biên giới Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Những người lính biên phòng được nhân dân tin yêu, coi như người thân trong nhà. Nhân dân trở thành “tai mắt”, trở thành biên giới “mềm”, là “phên dậu” vững chắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Sửa đổi lối làm việc - ánh mặt trời chiếu sáng

Tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nếu kể từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và phong trào "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thì nay đã là sáu năm.

Thời gian trôi nhanh. Nhiệm vụ cách mạng đề ra cho mỗi giai đoạn lịch sử luôn có sự thay đổi. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng không dừng tại chỗ. Nhưng điều có thể khẳng định chắc chắn là những gì Bác Hồ nêu lên trong Sửa đổi lối làm việc, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Vẫn còn có tính thời sự nóng hổi.

Xin hãy cùng nhau ôn lại.

Sửa đổi lối làm việc ngày ấy

Sửa đổi lối làm việc ra đời trong bối cảnh tình hình rất đặc biệt. Ðó là: Chỉ hai năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Chưa đầy một năm sau ngày Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chính phủ và các cơ quan trung ương đều chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Thêm nữa, giữa lúc Bác Hồ đang hoàn chỉnh tác phẩm Sửa đổi lối làm việc thì ngày 7-10-1947, giặc Pháp mở Chiến dịch thu đông, đánh thẳng lên Việt Bắc, âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.

Thế mà trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, Bác Hồ đã nghĩ ngay đến việc chỉnh đốn Ðảng. Ðó là điều hiếm có đối với các Ðảng Cộng sản cầm quyền thời bấy giờ. Nói về chỉnh đốn Ðảng nhưng Bác Hồ không hề dùng những từ ngữ to tát như chỉnh huấn, chỉnh đảng hay chỉnh phong… Bác viết một cách nhẹ nhàng: Sửa đổi lối làm việc. Nhẹ nhàng mà sâu sắc. Câu chữ rất bình dân. Dễ hiểu, dễ nhớ, không chỉ cho cán bộ mà cho cả đảng viên bình thường.

1. Phải sửa đổi lối làm việc của Ðảng như thế nào?

Bác viết: Ðảng ta hy sinh, tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.

Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Ðảng còn to tát hơn nữa.

Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều…

Ðể sửa chữa khuyết điểm phải thông qua phê bình. Bác viết: Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.

Bác coi bệnh chủ quan là khuyết điểm lớn về tư tưởng. Nguyên nhân của bệnh là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông.

Bác viết: Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì như nhắm mắt mà đi… Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng nghìn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.

2. Về tư cách của Ðảng và đạo đức cách mạng

Bác viết: Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác.

Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Ðiều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Ðảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm. Những tính tốt ấy, theo Bác, có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Bác phê bình cái tư tưởng giấu giếm, không dám công khai tự phê bình: Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

3. Về vấn đề cán bộ

Bác viết: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Và: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng… Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Phải khéo dùng cán bộ. Không phạm vào những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp tính tình với mình…

4. Về cách lãnh đạo của Ðảng

Trước hết, Bác nhấn mạnh: Lãnh đạo phải gắn liền với kiểm soát (hay kiểm tra). Lãnh đạo đúng nghĩa là: Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Phải tổ chức sự kiểm soát đúng… Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.

Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên: Phải học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời.

Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được

Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.

5. Về chống thói ba hoa, tức là sửa đổi cách nói, cách viết

Bác chỉ ra sáu điều cần tránh: Dài dòng, rỗng tuếch. Thói "cầu kỳ". Khô khan, lúng túng. Báo cáo lông bông. Lụp chụp cẩu thả. Bệnh theo "sáo cũ".

Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?

Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bây giờ

Trong sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm qua, Ðảng ta luôn coi phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ then chốt. Coi công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991, và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đều khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Mọi đường lối, chủ trương của Ðảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Hai Ðại hội XI (năm 2011) và XII (năm 2016) của Ðảng đều đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Hai Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI và XII đều nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Gắn liền với hai nghị quyết này là phong trào: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Ðẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Cả hai nghị quyết của Trung ương đều có cùng quan điểm chỉ đạo: Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Có nghĩa là, vừa phải tập trung sức vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vừa phải đẩy mạnh phong trào Học tập và làm theo Bác. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thật sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thật sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Ðáng mừng là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần tạo nên một bước chuyển biến mới tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng, vào chế độ.

Ôn lại Sửa đổi lối làm việc ngày ấy, đối chiếu với Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng bây giờ, ta càng thấy những bài học Bác Hồ nêu lên là vô giá. Sửa đổi lối làm việc và các tác phẩm khác của Bác, đặc biệt là Di chúc, thật sự là ánh mặt trời chiếu sáng đường chúng ta đi.

Hà Đăng
 

Đoàn kết, lời căn dặn thiết tha của Bác 6:18' 11/3/2018 Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hộ...